Vấn đề hợp tác khu vực về môi trường đã được xem xét từ Hội nghị
bàn tròn lần thứ hai diễn ra năm 2012 và tại Hội nghị bàn tròn lần thứ ba, các
quốc gia đều cho rằng phải xây dựng Kế hoạch hành động đối với vấn đề
này.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TANDTC Việt Nam) Ngô Cường cho biết,
trước Hội nghị bàn tròn lần thứ tư đã diễn ra Cuộc họp Nhóm Thẩm phán chuyên
trách về môi trường. Cuộc họp Nhóm Thẩm phán chuyên trách đề xuất các nước chưa
lập Nhóm Thẩm phán chuyên trách ở cấp quốc gia thì tiến hành thành lập; đồng
thời các nước trong khu vực ASEAN nên chia sẻ các văn bản pháp luật về môi
trường trên trang web của Mạng lưới Thẩm phán ASEAN cũng như tổ chức hội thảo
chung cho các thành viên Nhóm Thẩm phán.
Tham dự Hội nghị lần này, Thẩm phán Takdir Rahmadi (Tòa Dân sự,
Tòa án Tối cao Indonesia) hoàn toàn ủng hộ ý tưởng xây dựng Kế hoạch hành động.
Indonesia cũng thực hiện chương trình cấp chứng chỉ luật môi trường theo Tuyên
bố chung Jakarta và mong muốn tiến tới thành lập Nhóm Thẩm phán chuyên trách
ASEAN về môi trường.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thì khẳng định trong bối cảnh hiện
nay, Tòa án với chức năng và nhiệm vụ của mình; đang ngày càng thể hiện vai trò
quan trọng trong bảo vệ môi trường. “Các nước trong khu vực đang nỗ lực phát
triển hệ thống tư pháp để giải quyết tốt các tranh chấp về môi trường, qua đó
ngày càng có nhiều đóng góp nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường và những nỗ
lực ấy sẽ được phát huy, tạo thành một sự cộng hưởng lớn có sức lan tỏa mạnh mẽ
không chỉ trong phạm vi khu vực mà còn trên cả thế giới” – ông Bình tin tưởng.
Cần mạnh tay với tội phạm về môi trường là quan điểm khi xét xử
của các Thẩm phán các nước ASEAN. Tại Malaysia, mặc dù có những quy định miễn
trừ cho người bản địa nhưng Tòa án Malaysia luôn đưa ra những bản án nghiêm
khắc đối với loại tội phạm môi trường, nhất là những hành vi vi phạm hoạt động
bảo vệ động vật hoang dã.
Tuy vậy, Thẩm phán Richar Malanjum (Chánh án Tòa án cấp cao khu
vực Sabah và Sarawak, Malaysia) vẫn tâm niệm, việc truy tố hành vi vi phạm
không phải là giải pháp triệt để, thay vào đó cần tuyên truyền, giải thích pháp
luật cho người dân và hỗ trợ họ để có thể có giải pháp bảo vệ môi trường hiệu
quả nhất.
Ở nước ta cũng đưa ra nhiều chính sách để bảo vệ, phát triển tài
nguyên rừng, trong đó có cả chính sách hình sự đối với các hành vi xâm phạm tài
nguyên rừng. Thẩm phán Lê Văn Minh (Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TANDTC)
chia sẻ, Việt Nam quy định trong Bộ luật Hình sự một số loại tội phạm liên quan
đến phá hoại, khai thác, vận chuyển buôn bán gỗ trái phép.
Trong thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã điều
tra, truy tố và xét xử hàng nghìn vụ án hình sự về loại tội phạm này. Đây là
một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm trừng trị tội phạm xâm phạm tài nguyên
rừng nói riêng, tội phạm về môi trường nói chung.
|