Ông Nguyễn Quốc Liêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) xây dựng huyện
Phú Tân, tỉnh Cà Mau đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số vướng mắc liên
quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng công trình, việc áp
dụng hình thức chỉ định thầu và xử lý tình huống trong đấu thầu. Cụ
thể như sau:
Tại điểm d, khoản 5, Điều 15 Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của
Chính phủ quy định: “Chủ đầu tư sử dụng Ban quản lý dự án hoặc chỉ định bộ
phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ giám sát, đánh giá
đối với các dự án do phạm vi mình quản lý”.
Ông Liêm muốn được biết, Ban QLDA thuộc chủ đầu tư thay mặt chủ đầu tư
tự thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đối với các dự án do Ban QLDA quản lý,
điều hành mà không có quyết định hoặc văn bản ủy quyền từ chủ đầu tư (chỉ thống
nhất theo chỉ đạo, điều hành) và hưởng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư
(20% chi phí quản lý dự án) thì có đúng quy định không?
Theo điểm a, khoản 5 Điều 5 Thông tư số 22/2010/TT-BKH ngày 2/12/2010
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định “chi phí giám sát, đánh giá đầu tư được
quản lý, sử dụng như chi phí quản lý dự án”. Ban QLDA xây dựng huyện Phú
Tân là đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư các công trình do
chủ đầu tư giao quản lý, điều hành dự án, giám sát, đánh giá đầu tư. Khi lập dự
toán QLDA, Ban QLDA tính cả chi phí giám sát đánh giá đầu tư của các dự án được
giao để trình chủ đầu tư phê duyệt chung với dự toán Ban, và thực hiện thu chi
như chi phí Ban QLDA thì có đúng quy định không?
Ngoài ra, theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của
Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu, quy trình chỉ định thầu thông
thường và rút gọn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Nghị định này và Luật Đấu thầu 2013 đơn vị ông Liêm
chưa nắm rõ điều kiện và hạn mức của các gói thầu như thế nào thì được thực chỉ
định thầu thông thường hoặc thầu rút gọn?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như
sau:
Về giám sát, đánh giá đầu tư
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009
của Chính phủ, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá
đầu tư; cũng theo đó, Chủ đầu tư có thể sử dụng Ban QLDA hoặc chỉ định bộ phận
chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu
tư đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý.
Để bảo đảm tính pháp lý, việc phân giao nhiệm vụ giữa Chủ đầu tư và Ban
QLDA cần được xác định trong chức năng, nhiệm vụ khi thành lập Ban QLDA hoặc
được thể hiện bằng các quyết định, văn bản cụ thể.
Khi thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, Ban QLDA được hưởng các chi phí
phù hợp với nội dung, nhiệm vụ được giao theo quy định của Thông tư số
22/2010/TT-BKH ngày 2/12/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để thực hiện nhiệm vụ,
Ban QLDA xây dựng kế hoạch, dự toán chi phí phù hợp với quy định trình Chủ đầu
tư phê duyệt làm căn cứ để thực hiện. Tuy nhiên, Luật Xây dựng có hiệu lực thi
hành từ ngày 1/1/2015 có quy định mới về thẩm quyền phê duyệt dự toán công
trình.
Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu
Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu chỉ được thực hiện khi gói thầu
thuộc các trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 22
của Luật Đấu thầu và Điều 54 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Tùy theo tính
chất, quy mô của gói thầu mà áp dụng quy trình chỉ định thầu theo Điều 55 hoặc
Điều 56 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Theo đó, quy trình chỉ định thầu rút gọn được áp dụng đối với gói thầu
quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu, trừ gói thầu cần thực
hiện để bảo đảm bí mật nhà nước và với gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu
theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Tất cả những trường hợp
còn lại áp dụng quy trình chỉ định thầu thông thường theo quy định tại Điều 55
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Việc xử lý tình huống trong đấu thầu
Khoản 11, Điều 117 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trường hợp
nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn khả năng để tiếp tục
thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu
quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định
cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực
hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc hình thức lựa chọn nhà thầu khác
trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng
công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong
hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó.
Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo
đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện
phần công việc còn lại của gói thầu.
Phần công việc còn lại chưa thực hiện cần hình thành gói thầu mới, việc
áp dụng hình thức chỉ định thầu hay các hình thức lựa chọn nhà thầu khác để
thực hiện đều phải được người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn
nhà thầu, giá gói thầu của phần công việc còn lại được xác định theo nguyên tắc
trên.
Trong quá trình thực hiện quản lý đầu tư, có vấn đề chưa rõ, đề nghị Ban
QLDA làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau để được hướng dẫn.
|