Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến
sau:
Điểm c, khoản 2, Điều 103 Luật các Tổ chức
tín dụng quy định: “Ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua
lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh sau đây:..
c)Bảo hiểm”.
Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng quy
định về nghiệp vụ ủy thác và đại lý: “Ngân hàng thương mại được ủy thác,
nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh
doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Căn cứ các quy định trên, ngân hàng thương
mại không được trực tiếp kinh doanh bảo hiểm mà phải thành lập hoặc mua lại
công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động này hoặc làm đại lý bảo
hiểm.
Tại Điều 17 Quy chế cho vay của Tổ chức
tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày
31/12/2001 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 28/2002/QĐ-NHNN ngày
11/1/2002; Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 3/2/2005; Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN
ngày 31/5/2005; Thông tư số 33/2011/TT-NHNN
ngày 8/10/2011) quy định về hợp đồng tín dụng như sau:
“Việc cho vay của tổ chức tín dụng và
khách hàng vay phải được lập thành hợp đồng tín dụng. Hợp đồng tín dụng phải có
nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số
vốn vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm,
phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thoả thuận”.
Khách hàng mua bảo hiểm tín dụng đối với
khoản vay là thỏa thuận
Theo khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số
86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân
thọ (có hiệu lực từ ngày 1/9/2014) quy định về thu phí bảo hiểm:
“Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho doanh
nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm”.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc cho vay
của Tổ chức tín dụng và khách hàng được lập thành hợp đồng tín dụng phải có nội
dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay... và những cam kết khác được
các bên thỏa thuận.
Hiện tại pháp luật về ngân hàng không quy
định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm tín dụng. Do vậy, việc khách hàng mua
thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và
khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.
Đồng thời hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng
với khách hàng và hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng với doanh nghiệp kinh doanh
bảo hiểm là các giao dịch độc lập.
Theo đó, phí bảo hiểm là một trong những
thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với khách hàng trong hợp đồng
bảo hiểm. Trong trường hợp ngân hàng làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh
doanh bảo hiểm, ngân hàng chỉ thực hiện thu phí bảo hiểm theo ủy quyền của
doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Thông tư
liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN.
|