Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động
xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Quốc hội đã ban
hành Luật ban hành văn bản QPPL năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, năm
2008); Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân năm 2004.
Các Luật hiện hành đóng vai trò quan
trọng trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL của các cơ quan
nhà nước Trung ương và đặc biệt là đối với các cấp chính quyền địa
phương. Tuy nhiên, việc tồn tại song song hai văn bản Luật cùng quy định
về việc ban hành văn bản QPPL đã phát sinh những điểm không thống nhất
dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, việc bố trí tổ
chức bộ máy, biên chế, kinh phí.
Do đó, việc xây dựng một Luật áp dụng
cho cả Trung ương và địa phương về công tác văn bản QPPL trên cơ sở hợp
nhất hai Luật là cần thiết, thống nhất về cơ sở lý luận và đáp ứng yêu
cầu thực tiễn.
Cần thu gọn thẩm quyền ban hành VB
Việc xây dựng Luật mới cần quan tâm xem xét cụ thể hoá và sửa đổi bổ sung một số vấn đề chủ yếu sau:
Về thẩm quyền ban hành văn bản QPPL:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền ban hành văn bản QPPL
quy định trên cơ sở thẩm quyền quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân,
Uỷ ban nhân dân các cấp được quy định trong Luật tổ chức HĐND, UBND.
Thực tế hiện nay ở cấp huyện, cấp xã thì phần lớn là không ban hành văn
bản QPPL hoặc số ít văn bản QPPL được ban hành theo hướng sao chép lại
văn bản của cấp trên.
Mặt khác, dù Luật ban hành văn bản QPPL
quy định UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản QPPL nhưng các
văn bản Luật chuyên ngành lại không có quy định hoặc rất ít quy định
giao thẩm quyền quy định cụ thể một vấn đề cho UBND cấp huyện, cấp xã.
Như vậy, quy định thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của UBND cấp huyện,
cấp xã không có tính khả thi.
Do đó, Luật ban hành văn bản QPPL mới
cần quy định thu gọn thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của UBND các cấp
theo hướng: Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của UBND cấp xã mà UBND
cấp xã chỉ ban hành các văn bản quyết định hành chính để tổ chức thực
hiện văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.
Đối với UBND cấp huyện, HĐND cấp xã chỉ
thực hiện ban hành văn bản QPPL trong trường hợp có văn bản của cấp
trên giao phải ban hành quy định cụ thể. Vấn đề thu gọn thẩm quyền ban
hành văn bản QPPL của UBND các cấp trong Luật ban hành văn bản QPPL cần
thống nhất ngay trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và Luật tổ chức HĐND,
UBND để đảm bảo tính thống nhất và không bị “vướng” khi tổ chức thực
hiện.
Nên cho phép địa phương ban hành văn bản tạm thời
Về nội dung văn bản QPPL: Luật hiện
hành quy định nội dung văn bản QPPL rất rộng căn cứ vào yêu cầu quản lý
nhà nước của thực tiễn nên địa phương rất khó khăn khi xác định nội dung
văn bản QPPL cần quy định. Mặt khác, việc quy định nội dung văn bản
QPPL phải đảm bảo nguyên tắc không được sao chép lại văn bản của cấp
trên dẫn đến tình trạng “cắt, cúp” văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp
trên.
Trường hợp Trung ương giao cho địa
phương quy định một vấn đề cụ thể thì theo nguyên tắc địa phương chỉ quy
định cụ thể vấn đề đó, còn các nội dung liên quan đến nguyên tắc, quy
định chung thì không được quy định để tránh sao chép lại, hoặc có địa
phương chỉ quy định một số nội dung liên quan đến vấn đề cần quy định cụ
thể đó.
Như vậy, văn bản của địa phương nhằm cụ
thể hoá các quy định của văn bản Trung ương nhưng lại không quy định
đầy đủ làm cho hệ thống văn bản pháp luật nói chung bị biến dạng, nhiều
khi dẫn đến việc khó hiểu và áp dụng còn không đúng với quy định của văn
bản gốc là Luật.
Ngoài ra, hiện nay Luật hiện hành không
có quy định việc ban hành văn bản QPPL tạm thời. Việc này xuất phát từ
tính ổn định của văn bản QPPL nhưng cũng đang làm cho địa phương gặp khó
khăn cho hoạt động quản lý trong trường hợp nội dung cụ thể được giao
cho Trung ương quy định nhưng Trung ương chưa có quy định trong khi thực
tiễn quản lý lại yêu cầu phải có văn bản QPPL để điều chỉnh ngay (ví
dụ: vấn đề quản lý đất bãi bồi ven sông ven biển).
Trong trường hợp này, để giải quyết vấn
đề về thẩm quyền, Trung ương cần cho phép địa phương ban hành văn bản
tạm thời để đáp ứng yêu cầu quản lý cho đến khi có văn bản của Trung
ương quy định.
Riêng về hiệu lực văn bản QPPL: Về
nguyên tắc, văn bản QPPL có hiệu lực thì phải được áp dụng ngay. Thế
nhưng trong thực tế, tình trạng Luật đã có hiệu lực, vẫn phải chờ Nghị
định ban hành, Nghị định chờ Thông tư, UBND cấp dưới lại còn phải chờ
văn bản của UBND cấp trên mới tổ chức triển khai thực hiện đang làm phát
sinh những bất cập.
Để khắc phục tình trạng này, vấn đề về
thời gian có hiệu lực của Luật; trách nhiệm của các cơ quan trong việc
ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; trách nhiệm
rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phải được cụ thể hoá hơn
nữa trong Luật mới. |