Theo danh mục rà soát của Bộ Tư pháp,
hướng dẫn Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì có gần 100 Nghị định
của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó có những
Bộ, ngành chủ trì soạn thảo tới 17 – 18 Nghị định (như Bộ Công thương),
lại có những Bộ, ngành chỉ chủ trì soạn thảo 1 – 2 Nghị định (như Bộ Xây
dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đây là một thực
tế hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành
chính mới được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Vì vậy, triển khai kế hoạch thực hiện
Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị các Bộ,
ngành rà soát và đề xuất danh mục các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Hiện đã có 7/16 Bộ, ngành gửi văn bản đề xuất cho Bộ Tư pháp.
Căn cứ vào đề xuất trên của 7 Bộ,
ngành, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn
Kim Thoa cho rằng, đề xuất ghép xử phạt vi phạm hành chính trong 3 lĩnh
vực y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng chống AIDS vào 1 Nghị định
của Bộ Y tế là rất đúng định hướng.
Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực quản
lý khác thì bà Thoa băn khoăn vì không thấy Bộ chủ quản đề nghị như
lĩnh vực quảng cáo (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lĩnh vực lưu
trữ và thi đua – khen thưởng (đang được Bộ Nội vụ xây dựng)…
Cơ bản nhất trí với danh mục văn bản do
Bộ Tư pháp rà soát và trình bày, đại diện các Bộ, ngành nêu ý kiến cụ
thể về một số văn bản được phân công chủ trì soạn thảo, thời gian dự
kiến trình Chính phủ xem xét, ban hành. Một số đại biểu kiến nghị nên
“gom” các văn bản quy định về xử phạt theo lĩnh vực quản lý nhà nước
hoặc theo tính chất hay theo nhóm hàng hóa.
Ngoài ra, theo một số ý kiến, Bộ Tư
pháp cần giữ vai trò là cơ quan đầu mối trong việc rà soát, lập danh mục
hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi
phạm hành chính nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của
công tác này.
Kết luận cuộc họp, ghi nhận phát biểu
của đại diện các Bộ, ngành, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ nhấn mạnh, các Bộ
ngành cần rà soát lại và nhanh chóng đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung làm
sao để “bức tranh” tổng thể về các Nghị định không còn “lổn nhổn” như
hiện nay. Đối với các vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau giữa các
Bộ, ngành như gom văn bản theo hướng nào, cơ quan đề xuất xây dựng văn
bản…, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |