Nói đùa, lĩnh án thật
Theo cáo trạng, vào 15h50 ngày
9/7/2011, Hồ Thị Thanh Tuyền (25 tuổi, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có mặt
trên chuyến bay từ Hà Nội đi TP. Đà Lạt. Chuyến bay dự kiến cất cánh vào
lúc 16h30 cùng ngày. Trên chuyến bay này, Tuyền được xếp ngồi số ghế
15C nhưng do lên trước nên đã ngồi vào số ghế 15A. Khi Tuyền yên vị trên
ghế nhưng không bỏ túi hành lý vào hộc để đồ phía trên đầu, nên tiếp
viên hàng không Bùi Tuấn Anh của chuyến bay đã nhắc nhở Tuyền cất đồ
đúng nơi quy định để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Trước giờ máy bay cất cánh, tiếp viên
này trở lại chỗ Tuyền ngồi vẫn thấy túi hành lý chưa được cất vào hộc để
đồ nên tiếp viên Bùi Tuấn Anh tiếp tục yêu cầu Tuyền cất.
Nghe vậy, Tuyền nhờ tiếp viên này cất
túi giùm và buột miệng nói đùa: “Nếu trong túi này có bom và bỏ vào hộc
để đồ nó phát nổ thì sao?!”. Nghe Tuyền nói vậy, tiếp viên Bùi Tuấn Anh
đã yêu cầu Tuyền nhắc lại câu nói và Tuyền nói rằng, đó chỉ là nói đùa.
Tiếp viên Tuấn Anh đã báo lại sự việc
với tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Trí Thi và bà Thi đến chỗ Tuyền hỏi lại
câu chuyện. Tuyền khẳng định với bà Thi là có nói và bảo đó là câu nói
đùa. Tiếp viên trưởng Thi sau đó báo cáo vụ việc với cơ trưởng chuyến
bay Ajay Trayan (người Ấn Độ). Cơ trưởng đã quyết định hoãn chuyến bay,
cho máy bay quay lại để kiểm tra lại an ninh đối với máy bay, hành
khách, hành lý và hàng hóa.
Chuyến bay đã bị tạm dừng và áp dụng
phương án khẩn nguy cứu nạn tại cảng, di chuyển 171 hành khách, hành lý
xách tay quay lại phòng chờ để kiểm tra an ninh. Máy bay được di chuyển
sang khu biệt lập để kiểm tra. Kết quả kiểm tra: Không phát hiện dấu
hiệu gây mất an ninh trong hành lý và trên người Tuyền.
Sau khi kiểm tra an ninh xong, xác
định máy bay an toàn, chuyến bay được tiếp tục và bị chậm 3 giờ theo
lịch trình, còn Tuyền được bàn giao cho Công an huyện Sóc Sơn, TP. Hà
Nội để xác minh vụ việc.
Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan tố
tụng cho rằng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines -
VNA) đã phải dừng tất cả ba chuyến bay lại để đảm bảo an ninh cho hành
khách, thiệt hại 304.309.735 đồng.
Tại tòa, Tuyền cho biết cô vốn là nhân
viên một công ty xuất nhập khẩu với mức thu nhập khoảng 2 triệu
đồng/tháng và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuyền thừa nhận mình đã gây
ra hành vi cản trở giao thông đường không nhưng cho rằng mình chỉ nói
đùa, không có mục đích xấu và cũng không nhận thức được hành vi vi phạm
của mình. Có mặt tại phiên tòa, đại diện VNA yêu cầu bị cáo Tuyền bồi
thường 100 triệu đồng.
Xử phạt hành chính hay hình sự?
Sau khi phiên tòa khép lại, bản án đã được tuyên, tuy nhiên còn có những ý kiến cho rằng Tòa tuyên buộc như thế là chưa ổn.
Luật sư Trần Ngọc Hải, Đoàn Luật sư
TP.HCM nêu quan điểm: Trong vụ việc hành khách nói đùa có bom trong hành
lý trên máy bay, trước hết là hành vi trái pháp luật theo quy định của
Luật Hàng không dân dụng, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định tại khoản 6 Điều 12 NĐ 60/2010/NĐ-CP.
Hơn thế nữa, hành vi này thực tế đã
gây cản trở hoạt động bình thường của hàng không dân dụng và gây thiệt
hại nghiêm trọng về tài sản cho hãng hàng không, do đó đã cấu thành tội
“Cản trở giao thông đường không”, với hành vi được xác định là “hành vi
khác cản trở giao thông đường không”.
Đối với tội này, chỉ cần có lỗi vô ý,
nhưng hậu quả đã xảy ra cũng là đủ yếu tố cầu thành tội phạm. Mặc dù
hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng
về tài sản đối với tội này. Nhưng đối chiếu với một số tội khác có quy
định về mức thiệt hại tài sản, ví dụ như tội “Vi phạm quy định về điều
khiển phương tiện giao thông đường bộ”, thì mức thiệt hại trên 100 triệu
đồng của hãng hàng không là thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, việc truy tố
và xét xử chị Tuyền về tội cản trở giao thông đường không của Tòa án
Nhân TP. Hà Nội là đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đối với hành vi nói đùa có
bom, pháp luật cũng có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực hàng không dân dụng, nêu tại khoản 6, khoản 7 Điều 12 NĐ
60/2010/NĐ-CP, với mức xử phạt lên đến 30 triệu đồng.
Thậm chí Nghị định này nêu chính xác
về hành vi này là “tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom”
chứ không chỉ quy định chung chung “hành vi khác cản trở giao thông
đường không” như tại Điều 217 BLHS. Với quy định xử phạt hành chính này,
các cơ quan chức năng có thể xử phạt chị Tuyền còn hãng hàng không sẽ
khởi kiện hành khách để đòi bồi thường thiệt hại.
Do đó, để xác định đây là một vụ án
hình sự hay chỉ là vi phạm hành chính thì các cơ quan quản lý Nhà nước,
cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc
và sự cần thiết nâng cao tính răn đe của pháp luật, trong đó mức độ
nghiêm trọng của sự việc được quyết định bởi công tác xử lý tình huống
ban đầu của các đơn vị, cơ quan liên quan như an ninh hàng không, cảng
hàng không, cảng vụ, hãng hàng không – Luật sư Hải cho biết.
Tòa thiếu khách quan?
Luật sư Trần Ngọc Hải còn cho biết
thêm: Theo quy định tại Điều 48 Quyết định số 06/2007/QĐ-BGTVT, được sửa
đổi bổ sung bởi Thông tư số 17/2011/TT-BGTVT ban hành chương trình an
ninh hàng không dân dụng, khi có hành khách gây rối, tung tin có bom, vũ
khí, thì nhân viên an ninh hàng không của Cảng hàng không phải ngăn
chặn và phối hợp với Cảng vụ Hàng không giữ người để kiểm tra tính xác
thực của thông tin.
Còn để “đối phó với hành vi can thiệp
bất hợp pháp” thì khi có thông tin tàu bay bị đe dọa bom trong thời gian
tàu bay còn trên mặt đất, tàu bay phải được cách ly tại sân đỗ và triển
khai phương án khẩn nguy, tàu bay phải được lục soát nhằm phát hiện
bom.
Quyết định này cũng nêu hành vi “cung
cấp các thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc
trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất...” là
một trong những hành vi “can thiệt bất hợp pháp vào hoạt động hàng không
dân dụng”.
Như vậy luôn có bước kiểm tra tính xác
thực của thông tin do hành khách cung cấp (nói đùa) và chỉ thông tin
sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay thì mới được đánh giá là có
“hành vi can thiệp bất hợp pháp”, chứ không phải với bất cứ thông tin
nói đùa có bom nào cũng đều cách ly, lục soát tàu bay.
Việc xử lý tình huống ban đầu của các
cơ quan hàng không có thể sẽ dẫn đến các chiều hướng xử lý hành khách
khác biệt sau này. Với mỗi tình huống thực tế cụ thể, nếu xác định hành
khách chỉ nói đùa (ví dụ xác nhận ngay là nói đùa, không có hành lý ký
gửi, chưa check-in...) thì chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính.
Còn nếu sự việc phức tạp (có hành lý
ký gửi, lời khai bất nhất...) hoặc có lúng túng trong xử lý mà phải hoãn
chuyến bay để lục soát tàu bay thì sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn về tài
sản, và hành khách có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về lời nói đùa
tai hại.
Còn Luật sư Phạm Văn Huỳnh, trưởng
VPLS Tâm Đức thì cho rằng, hành vi nói đùa giống như Tuyền là khá phổ
biến. Tuy nhiên, ngay từ đầu hành vi đó không cấu thành tội phạm. Nếu
đúng như cáo trạng của phiên tòa thì ngay sau khi nói “nếu trong túi có
bom” Tuyền đã xác nhận mình chỉ nói đùa.
Ngay cả khi tiếp viên trưởng của
chuyến bay hỏi lại Tuyền cũng xác nhận mình chỉ nói đùa chứ trong túi
không có bom. Với trách nhiệm của đội ngũ an ninh hàng không thì VNA có
thể kiểm tra ngay lập tức xem trong túi cô gái này có bom hay không,
nhưng họ đã không làm việc đó mà đi báo cáo với cơ trưởng.
Khi Cơ quan Điều tra khởi tố về tội
“Cản trở giao thông hàng không” là xác định đây là tội cấu thành vật
chất mà đúng ra, đây chỉ là tội cấu thành hình thức (chỉ nói miệng,
không gây ra hậu quả).
"Đối với hành vi nói đùa thì không có
tội. Theo tôi, việc xét xử như vậy là thiếu khách quan và cũng phải xem
xét trách nhiệm của tổ an ninh chuyến bay và các bộ phận liên quan... Họ
đã làm gì khi xem xét hành lý rồi mà vẫn cho dừng chuyến bay, gây nên
hậu quả", Luật sư Phạm Văn Huỳnh nói.
|