Từ quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán theo nguyên tắc tim tường tại Thông tư số 16, Cục Kiểm tra VBQPPL nhận thấy: “Nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường sẽ xảy ra trường hợp cùng một diện tích ghi trong hợp đồng mua nhà, cùng một đơn giá nhưng các hộ sẽ có diện tích sử dụng thực tế là khác nhau. Những căn hộ có cột, hộp kỹ thuật thì cột, hộp này cũng được tính trong tổng diện tích của căn hộ, phải trả tiền cho diện tích của cột, hộp này nhưng lại không được sử dụng và diện tích sử dụng thực tế nhỏ hơn căn hộ không có cột, hộp kỹ thuật, như vậy đã tạo ra bất bình đẳng giữa các chủ sở hữu căn hộ chung cư. Hơn nữa, kèm theo một hệ lụy khác, đó là việc phải trả các khoản thuế, phí hàng tháng, hàng năm tính theo diện tích căn hộ cho các dịch vụ có liên quan trong suốt quá trình sử dụng căn hộ đó.
Cũng từ quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán tại Thông tư số 16 dẫn đến việc xác định diện tích sở hữu, sử dụng của chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ cũng như của cộng đồng dân cư tại chung cư hiện nay không rõ ràng, như phần cột, hộp kỹ thuật, tường bao, tường ngăn chia căn hộ ... tính vào sở hữu riêng nhưng có thể phần diện tích này đã được phân bổ vào giá bán chung cho toàn bộ ngôi nhà; hay phần sở hữu chung là hành lang, sảnh thì bị chủ đầu tư biến thành văn phòng cho thuê ... Đây chính là vấn đề mà dư luận báo chí đang băn khoăn và có tranh chấp giữa các chủ sở hữu các căn hộ với chủ đầu tư tại một số khu chung cư hiện nay”.
Nhận định này được đưa ra sau khi Cục Kiểm tra VBQPPL kiểm tra Thông tư số 16/2010/TT-BXD và Công văn số 124/QLN bởi có những phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng và một số công dân khu cung cư Keangnam, Dương Nội về cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ không phải trừ diện tích thuộc sở hữu chung tại hai văn bản này.
Trước đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp trao đổi, thảo luận với đại diện Bộ Xây dựng, Tổng cục Quản lý đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Kiểm tra VBQPPL, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) để làm rõ tính hợp pháp và thống nhất hướng xử lý đối với các văn bản nêu trên.
Để đảm bảo tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với pháp luật của các văn bản nêu trên và thông báo kết quả xử lý cho Cục theo qui định của pháp luật.