Sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày
1/7/2014, Luật Đất đai năm 2013 bao gồm rất nhiều nội dung đổi mới quan
trọng về chế độ sở hữu đất đai, quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối
với đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về
thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về đăng ký đất đai, cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác
gắn liền với đất; về tài chính đất đai, giá đất; về quyền và nghĩa vụ
của người sử dụng đất...
Giới thiệu những quy định mới trong
thu hồi đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho
biết: Ngoài việc quy định thống nhất về những trường hợp thật cần thiết
mà Nhà nước phải thu hồi đất với Hiến pháp sửa đổi cũng vừa được thông
qua, Luật Đất đai năm 2013 siết chặt hơn và thu hẹp hơn các trường hợp
thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công
cộng.
Cụ thể, Nhà nước chỉ thu hồi đất các
dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, các dự án được Thủ
tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được
HĐND cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất. Không những thế,
trong quá trình thu hồi đất, phải tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp
của nhân dân và khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận trong việc thu
hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phải có trách nhiệm đối thoại và giải trình.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang,
cùng với quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu
tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và cơ bản chuyển
sang thuê đất, Luật Đất đai 2013 đã thiết lập sự bình đẳng hơn trong
việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước
ngoài.
Theo đó, nhà đầu tư trong nước và nước
ngoài đều được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để
thực hiện dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; các
trường hợp còn lại được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm
hoặc thuê đất trả tiền một lần việc thu hồi đất cho cả thời gian thuê.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân
Cùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2014,
Luật Tiếp công dân (TCD) quy định cụ thể trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo,
tổ chức công tác TCD của người đứng đầu cơ quan. Cùng với trách nhiệm
trực tiếp TCD ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm TCD của cơ
quan mình, người đứng đầu cơ quan còn có trách nhiệm TCD đột xuất trong
những trường hợp nhất định.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định khi
TCD, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ
việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo các cơ
quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của
mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho
công dân.
“Quy định này nhằm xác định rõ trách
nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác
TCD, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết
khiếu nại, tố cáo” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn
mạnh.
Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của
Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn cũng đã
công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc
hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Ngoài Luật Đất đai và Luật TCD, còn có
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật
Việc làm; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa
cháy; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Đấu thầu; Luật Thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ tịch nước cũng ký Lệnh công bố Pháp lệnh
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật
liệu nổ và công cụ hỗ trợ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày
12/7/2013. Đại diện các Bộ, ngành có liên quan tham dự buổi họp báo đã
thông tin thêm về những điểm mới trong các Luật, Pháp lệnh mới được ban
hành.