Bỏ án treo đối với tội phạm tham nhũng
Theo báo cáo của TANDTC, tỷ lệ án treo
đối với án liên quan đến tham nhũng là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm
2011), 30,2% (năm 2012). Việc tỷ lệ các bị cáo phạm tội liên quan đến
tham nhũng được hưởng án treo nhiều hơn các loại tội phạm khác đã gây dư
luận bức xúc.
Về vấn đề này, tại hội thảo “Rà soát hệ
thống pháp luật của Việt Nam trên tinh thần Công ước của Liên Hợp quốc
về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC)” do Bộ
Tư pháp tổ chức vào sáng 16/10, ông Nguyễn Văn Tùng (TANDTC) cho rằng,
việc vận dụng pháp luật để cho tội phạm tham nhũng được hưởng án treo là
đúng (theo thống kê, số vụ không đúng chỉ chiếm tỷ lệ 0,065%).
Đây là một trong những điểm bất cập của
BLHS vì bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng phần lớn nguyên là
người có chức vụ, quyền hạn nên có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội
lần đầu, đã có thành tích xuất sắc trong công tác, có nhân thân tốt;
luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền và
nghĩa vụ của công dân... để Tòa phán quyết cho hưởng án treo.
Ông Tùng đặt câu hỏi, các ưu thế về nhân
thân như trên có đủ để đương nhiên cho họ hưởng án treo hay không,
trong khi tham nhũng ở nước ta đã và đang được cho là quốc nạn?. Như
vậy, việc cho tội phạm tham nhũng được hưởng án treo rõ ràng chưa đáp
ứng được điều kiện “không gây ảnh hưởng xấu trong công cuộc đấu tranh
phòng, chống tội phạm”. Việc Tòa án áp dụng án treo chiếm 1/3 số bản án
tham nhũng đã làm tổn hại đến tính công bằng và hiệu lực của luật pháp,
tạo ra môi trường trong đó làm sai không bị xử lý, trừng phạt, không
phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, việc đa số người phạm tội liên
quan đến tham nhũng được hưởng án treo là chưa phù hợp với yêu cầu của
Khoản 4 Điều 11 Công ước TOC. Từ đó, ông Tùng kiến nghị sửa BLHS theo
hướng không áp dụng án treo đối với một số tội phạm có tổ chức, đặc biệt
là tội phạm tham nhũng, có tổ chức xuyên quốc gia.
Ông Mai Bộ (Tòa án Quân sự Trung ương)
cũng phân tích, việc cho tội phạm (trong đó có tội phạm tham nhũng)
hưởng án treo thường được cho treo từ đầu, đồng thời với nó là cho hoãn,
cho miễn chấp hành hình phạt, dẫn đến việc chấp hành chưa được tốt. Bởi
thế, ông Bộ đề xuất nên “cho treo lộn lại”, hay gọi cách khác là “treo
sau”, chẳng hạn một đối tượng bị tuyên 10 năm tù thì phải chấp hành hình
phạt 7 năm rồi “treo” 3 năm còn lại.
Siết chặt điều kiện giảm thời hạn chấp hành hình phạt
Một nội dung khác được quan tâm là giảm
thời hạn chấp hành hình phạt. Theo BLHS, điều kiện để có thể được xét
giảm lần đầu thời hạn chấp hành các loại hình phạt (hình phạt cải tạo
không giam giữ, tù có thời hạn, phạt tiền và hình phạt tù chung thân)
bao gồm: điều kiện về thời gian (đã chấp hành ít nhất là một phần ba
thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30
năm trở xuống; 12 năm đối với tù chung thân), điều kiện về kết quả cải
tạo (phải có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc thành thật hối lỗi, nghiêm
chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của trại cải tạo hoặc các chế độ cải
tạo không giam giữ, tích cực lao động, hàng quý và hàng năm được xếp
loại cải tạo từ khá trở lên), điều kiện về quản lý (phải được cơ quan
thi hành án hoặc giám sát thi hành án đề nghị).
Bà Lê Vân Anh (Bộ Tư pháp) đánh giá,
việc xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù chủ yếu dựa vào thời
gian chấp hành hình phạt thực tế và thái độ cải tạo của phạm nhân chứ
không dựa vào loại tội phạm bị kết án. Quy định trên chưa thực sự đáp
ứng được yêu cầu của Công ước TOC về việc cân nhắc tính chất nghiêm
trọng của những tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước khi xem
xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về
những tội phạm này.
“Trong tương lai, cần nghiên cứu để sửa
đổi BLHS theo hướng quy định thời gian chấp hành hình phạt thực tế để
được xem xét giảm đối với những người bị kết án về những tội phạm có tổ
chức, xuyên quốc gia dài hơn so với người bị kết án về những tội phạm
khác” - bà Vân Anh bày tỏ.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc xá, Nhà
nước Việt Nam có chính sách nghiêm trị đối với những kẻ tham gia vào các
tổ chức tội phạm, phạm các tội nghiêm trọng về ma túy, phạm tội giết
người có tổ chức, mua bán người.
Mới đây nhất, Quyết định số
11251/2013/QĐ/CTN của Chủ tịch Nước về đặc xá năm 2013 quy định các
trường hợp không đề nghị đặc xá, trong đó có các trường hợp giết người
có tổ chức, đã có tiền án hoặc đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về
các tội về ma túy, giết người, hiếp dâm trẻ em, mua bán phụ nữ, mua bán
trẻ em...
Có chuyên gia cho rằng, đây là chính
sách cần tiếp tục được duy trì và cần được bổ sung thêm để áp dụng đối
với những kẻ hoạt động tích cực trong các tổ chức phạm tội xuyên quốc
gia. |