Đề xuất bỏ 9 tội danh
Tước bỏ quyền sống (tử hình) là loại
hình phạt nghiêm khắc mang tính trừng trị, phòng ngừa được áp dụng trong
những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Với ý nghĩa đó nên qua
nhiều lần sửa đổi, số điều luật có tử hình trong Bộ luật Hình sự (BLHS)
cũng có nhiều thay đổi.
BLHS 2009 hiện hành có 22 điều luật
thuộc 8 chương quy định về các nhóm tội phạm cụ thể có quy định khung
hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó, có các tội xâm phạm an ninh
quốc gia; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con
người; các tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các
tội phạm về ma túy; chức vụ…
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, tỷ
lệ trên 8% các điều luật của BLHS hiện hành có quy định hình phạt tử
hình là vẫn còn khá cao. Trong điều kiện hiện nay, việc duy trì hình
phạt tử hình là cần thiết; tuy nhiên, thời gian tới cần tiếp tục thu hẹp
phạm vi áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số
ít trường hợp phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện hệ thống
chế tài hình sự hiện hành, tập trung vào thu hẹp phạm vi áp dụng hình
phạt tử hình do nhóm chuyên gia trong nước thực hiện có nhiều đề xuất
rất đáng chú ý. Theo nhóm chuyên gia, hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng
đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc 3 nhóm
tội: các tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của Nhà nước, của
chế độ; các tội xâm hại tính mạng con người, đe dọa nghiêm trọng sự phát
triển của giống nòi và các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới.
Về loại vụ việc, nhóm chuyên gia cho
rằng chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm
tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng,
nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho nhiều
người hoặc trường hợp phạm tội đơn lẻ nhưng hành vi phạm tội mang tính
bạo lực, dã man, tàn bạo gây bất bình trong nhân dân.
Về các tội danh cụ thể, nhóm chuyên
gia đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 9 tội. Đó là: hiếp dâm trẻ em;
cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm,
thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tàng trữ, vận chuyển trái phép
chất ma túy; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh
quốc gia; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội chống mệnh lệnh và
tội đầu hàng địch. Như vậy, với đề xuất này thì BLHS chỉ còn lại 13 tội
danh tiếp tục duy trì hình phạt tử hình.
Chưa nên bỏ quá nhiều tội
TS Trịnh Tiến Việt - Khoa Luật, Đại
học Quốc gia Hà Nội - đồng tình với đề xuất thu hẹp hình phạt tử hình vì
cho rằng đây là quy định phù hợp với xu hướng thế giới. Tuy nhiên, theo
ông Việt, trong điều kiện hiện nay chỉ nên bỏ 4 tội, đó là tội tàng
trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng
địch; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc
gia.
Ông Lê Xuân Sơn (TAND Lạng Sơn) cũng
không đồng tình với đề xuất bỏ tử hình đối với tội hiếp dâm trẻ em vì
thực tế những vụ việc như vậy gây tổn thương rất lớn cho trẻ em khiến dư
luận rất bức xúc và lý do báo cáo đưa ra cũng “không thuyết phục”. Ông
Sơn cũng cho rằng nếu bỏ tử hình với tội tham ô thì công cuộc phòng
chống tham nhũng sẽ không hiệu quả.
Thẩm phán TAND TP.Hải Phòng Vũ Thị
Nguyệt đề nghị việc bỏ tử hình đối với tội hiếp dâm trẻ em cần hết sức
cân nhắc. Thực tế, có trường hợp cụ ông 77 tuổi hiếp dâm trẻ em, khi xét
xử Tòa cũng phải cân nhắc xem có nên phạt tử hình không, nếu không tử
hình mà phạt tù có thời hạn cao nhất thì sẽ gây ra “gánh nặng cho trại
giam” từ chuyện phải phục vụ cụ ông ăn cháo, hay việc cụ mất trong trại
thì phải mai táng… Đó là chưa kể những phát sinh phức tạp khác.
Liên quan đến quy định bỏ tử hình,
nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, hiện nay tiêu chí áp dụng hình phạt
tử hình trong Bộ luật hiện hành khá mờ nhạt, không rõ ràng dẫn đến khó
khăn trong áp dụng. Vì vậy, vấn đề quan trọng khi sửa đổi Bộ luật lần
này là cần tiếp tục hoàn thiện Điều 35 về hình phạt tử hình theo hướng
xác định rõ và cụ thể hơn các tiêu chí áp dụng hình phạt tử hình, quy
định chặt chẽ các điều kiện áp dụng cũng như loại trừ việc áp dụng hình
phạt tử hình. |