Tăng hiệu quả và cơ hội
Một nghiên cứu của Anh chỉ ra rằng, đối
với rất nhiều người chưa thành niên, những hình phạt chính thức của pháp
luật chỉ góp phần thêm vào việc làm hình thành bản chất tội phạm của
họ. Khi một người chưa thành niên (NCTN) bị “gắn mác” là tội phạm chưa
thành niên, họ sẽ tiếp thu những thái độ và hành vi tội phạm. Do đó,
thay vì giúp NCTN từ bỏ hành vi phạm tội, việc xử phạt chính thức sẽ chỉ
làm củng cố thêm tính cách và hành vi tội phạm của NCTN đó.
Một nghiên cứu khác của Maxwell và các
cộng sự tại New Zealand (năm 2004) cũng cho thấy, những NCTN vi phạm
pháp luật bị xử lý thông qua hệ thống Toà án Thanh thiếu niên có xu
hướng tái phạm cao gấp hai lần số NCTN được xử lý bằng các biện pháp xử
lý chuyển hướng. Kết quả này cũng thống nhất với nghiên cứu của Luke và
Lind (năm 2002) trong đó chỉ ra rằng NCTN được xử lý thông qua biện pháp
Hội nghị gia đình ở New South Wales có xu hướng tái phạm thấp hơn người
NCTN vi phạm pháp luật bị xét xử tại toà án từ 15% đến 20%.
Chính vì lý do này, hiện nay, pháp luật
quốc tế, đặc biệt là các công ước quốc tế về quyền trẻ em khuyến khích
cơ quan Công an hay các cơ quan khác áp dụng các biện pháp xử lý NCTN vi
phạm pháp luật mà không cần viện đến các thủ tục tư pháp, hạn chế đến
mức thấp nhất việc xử lý chính thức.
Thực tế ở nước ta, trước khi có Luật
XLVPHC, các biện pháp xử lý chuyển hướng như cảnh cáo, hoà giải tại cộng
đồng và giám sát bởi gia đình hay họ hàng đã được sử dụng trên toàn
quốc để giải quyết những vi phạm nhỏ mà chưa cần đến các biện pháp chế
tài hình sự hay hành chính. Tuy nhiên, pháp luật của Việt Nam chưa có
quy định chính thức liên quan đến các biện pháp này; vì vậy, khi NCTN vi
phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xử lý đúng theo
pháp luật và không có lựa chọn để áp dụng các biện pháp không chính
thức.
Nhân đạo, không phân biệt đối xử
Theo quy định tại Dự thảo Nghị định quy
định chi tiết biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện
pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đang được Bộ Tư pháp khẩn trương
hoàn thiện, việc áp dụng biện pháp nhắc nhở được áp dụng đối với người
thực hiện hành vi VPHC là NCTN từ đủ 14 tuổi đến đưới 18 tuổi thực hiện
hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà nước thuộc trường hợp bị xử
phạt VPHC. Việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và
không phải lập thành biên bản để chỉ ra những vi phạm do người chưa
thành niên thực hiện.
Biện pháp quản lý tại gia đình được áp
dụng đối với người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên có hành vi vi
phạm quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật XLVPHC. Trước khi xem xét ra
quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã
yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ nhận trách nhiệm quản lý người chưa
thành niên có cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục người chưa
thành niên. Đặc biệt, người được áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC không
bị phân biệt đối xử; được lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú;
được tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề, các chương trình
tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng….
Người được áp dụng biện pháp thay thế
XLVPHC có quyền khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp thay thế
XLVPHC và các hành vi vi phạm trong quá trình thi hành quyết định áp
dụng đối với mình. Để bảo đảm tính răn đe và đạt được mục đích của công
tác giáo dục, Luật XLVPHC cũng quy định trong thời gian giám sát tại gia
đình nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì người có
thẩm quyền quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo
quy định của pháp luật.
Dự kiến, Nghị định quy định chi tiết
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp thay thế xử
lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, cùng
với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật XLVPHC.
Bà Nguyễn Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính
(Bộ Tư pháp)- nhận định, nhắc nhở, giám sát tại gia đình được xem là
biện pháp nhân đạo, hạn chế được sự kỳ thị của cộng đồng đối với NCTN vi
phạm, đồng thời huy động được sự quan tâm của gia đình và người thân
vào việc hướng dẫn, giúp đỡ con em mình, san sẻ gánh nặng cho các cơ
quan nhà nước trong việc thưc hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự an
toàn xã hội. |