Mới đây, ngày 3/4, TAND TP.Tuy Hòa
(Phú Yên) đã tuyên án đối với 5 công an TP.Tuy Hòa do dùng nhục hình
trong quá trình lấy lời khai khiến anh Nguyễn Thanh Kiều tử vong do chấn
thương sọ não.
Cuối năm 2013, cơ quan chức năng cũng
đã phải nhận “búa rìu dư luận” khi ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)
được minh oan sau 10 năm ngồi tù cho hành vi chưa bao giờ gây ra.
Vụ án của ông Chấn đã trở thành tâm
điểm tại phiên chất vấn những người đứng đầu các ngành tố tụng tại kỳ
họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2013) về chống oan, sai trong tố
tụng. Còn phiên tòa xét xử các công an dùng nhục hình kết thúc trong nỗi
đau của gia đình nạn nhân, gia đình các bị án.
Nạn nhân Nguyễn Thanh Kiều đã tử vong,
còn ông Nguyễn Thanh Chấn đến khi được minh oan, trả tự do thì bản thân
và gia đình đã hoàn toàn suy sụp cả về kinh tế và tinh thần, chưa biết
bao giờ có thể khôi phục.
Không luật sư, mất khả năng tự bảo vệ
Nhìn lại hai vụ án trên và nhiều vụ án
oan sai khác đều thấy có chung một điểm là thiếu sự tham gia của luật
sư ngay từ đầu. Không có sự trợ giúp của luật sư, hạn chế về hiểu biết
pháp luật cùng với việc không chịu nổi sức ép tâm lý trong quá trình tố
tụng khiến nhiều người mất khả năng tự bảo vệ trước “bộ máy tố tụng”.
Hậu quả là những bản án oan, sai được tuyên, được thi hành và những
khiếu kiện, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm các vụ án ngày càng trở
thành gánh nặng cho tòa án.
Tại nhiều diễn đàn về pháp luật hình
sự và bảo đảm quyền con người, vấn đề quyền được có sự trợ giúp luật sư
trong quá trình tố tụng đã được đưa ra thảo luận như vấn đề then chốt để
xóa bỏ những trường hợp “nhận tội cho xong” hoặc chỉ vì không hiểu biết
pháp luật mà “rơi vào bẫy” như cách ví von của các luật sư.
Khi phát biểu tại hội nghị tổng kết
công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014 của TAND
TP.Đà Nẵng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình từng nhấn mạnh: “Tòa án phải
xét xử dựa trên nguyên tắc tranh tụng và nghiên cứu hồ sơ. Chứng cứ
phải được trưng ra tại phiên tòa. Cả trong quá trình điều tra, truy tố
và xét xử phải suy đoán theo hướng vô tội. Ngay cả khi ra tòa, chỉ cần
một tình tiết còn phân vân thì tòa cũng phải xem xét lại cho kỹ lưỡng để
tránh oan sai...”.
Nhưng để làm được điều này thì cần có
đội ngũ luật sư mạnh, “phủ sóng” được ở tất cả các vụ án hình sự, và
quan trọng nhất là luật sư phải được tham gia ngay từ khi một người bị
bắt.
Khẳng định trước Quốc hội, Chánh án
TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an luôn nhấn mạnh những
nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo, song
thực tế vẫn còn nhiều “lỗ hổng” chưa được lấp đầy dẫn đến những sai sót
trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là thiếu sự có mặt của luật sư ngay từ
đầu vụ việc, vụ án và không có chế tài thực sự có tính răn đe đối với
những hành vi của những người tiến hành tố tụng dùng “thủ thuật” gây khó
khăn, phiền hà, làm chậm thời gian luật sư được tham gia vào quá trình
tố
tụng.
“Được im lặng chờ luật sư”, bao giờ thành quy định?
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Người bị
bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự
bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” (Điều 4). Đây là một
bước tiến rất dài cho quyền có luật sư tham gia ngay từ khi vụ việc xảy
ra song qui định này còn cần được hiện thực hóa bằng các qui định pháp
luật cụ thể.
Thực tế, có nhiều vụ án gần như chỉ
đến khi gần kết thúc giai đoạn điều tra, thậm chí chuyển sang giai đoạn
truy tố, xét xử, bị can mới được gặp luật sư như chia sẻ của Luật sư Ngô
Ngọc Thủy (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội): “Có không ít vụ án, phải đến giai
đoạn sắp có kết luận điều tra, luật sư mới được vào cuộc. Lúc đó, hồ sơ
đã hoàn tất còn làm sáng tỏ được gì nữa”.
Chính giới luật sư cũng không ít lần
gay gắt chỉ trích các cơ quan tiến hành tố tụng, liên tục kiến nghị với
các cơ quan chức năng có giải pháp đảm bảo thực thi quyền có luật sư của
người bị bắt, bị can, bị cáo, đặc biệt là cần có qui định về quyền “im
lặng chờ luật sư” trong Bộ luật Tố tụng Hình sự sẽ được sửa đổi trong
thời gian tới.
Tranh luận quanh tính cần thiết, khả
thi của việc bổ sung qui định vẫn đang được áp dụng ở nhiều nước có nền
tố tụng tiến bộ trên giới này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ
Pháp chế (Bộ Công an), lại thấy quyền im lặng “không phù hợp với thực
tiễn văn hóa nước ta bởi đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều kêu
oan, chứ không im lặng”.
Hơn nữa, từ góc độ cơ quan tiến hành
tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, thì “quyền im lặng chờ luật sư”
sẽ làm chậm tiến trình khai thác thông tin sự kiện, điều tra vụ việc hay
nói cách khác là sẽ “làm khó” cho cơ quan tiến hành tố tụng vì phải
“chờ luật sư”.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận, “kêu oan”
không đồng nghĩa với việc “không im lặng” bởi như lý giải của Trung
tướng Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án Quân sự Trưng ương, Phó Chánh án
TANDTC - quyền im lặng chờ luật sư thực chất là quyền không khai báo cho
đến khi có sự tư vấn của luật sư. Như vậy, “sẽ tránh được cho một người
việc tự buộc tội mình, thiệt hại cho bản thân”, Phó Chánh án TANDTC
khẳng định về ý nghĩa của việc có luật sư khi một người phải khai báo
trước cơ quan điều tra.
Từ vụ án Nguyễn Thanh Kiều, nếu có
luật sư chứng kiến quá trình lấy lời khai đã không dẫn đến kết cục đau
thương. Và ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu có luật sư tham vấn trong quá
trình bị hỏi cung thì hẳn ông đã không “nhận tội bừa” và nhiều vụ án
oan, sai khác đã không xảy ra.
“Bổ sung quy định cho phép người bị
bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can được quyền im lặng để chờ luật sư trong
Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) là điều kiện cần cho quyền có luật sư
của người dân được đảm bảo thực thi và cũng là đảm bảo quyền con người
không bị xâm phạm trong hoạt động tố tụng”, một đại diện Liên đoàn Luật
sư Việt Nam nhận định.
|