Phạt tù vẫn là chủ yếu
Theo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi
hành BLHS của Bộ Tư pháp, qua hoạt động xét xử của Tòa án, một số hình
phạt mặc dù được quy định trong BLHS nhưng hầu như không được áp dụng
hoặc áp dụng rất ít trong thực tiễn. Việc áp dụng một số hình phạt thiên
về ý nghĩa giáo dục, cải tạo còn rất hạn chế, ví dụ như hình phạt cảnh
cáo (Điều 31 BLHS), hình phạt trục xuất (Điều 32 BLHS), hình phạt tước
một số quyền công dân (Điều 39 BLHS).
Mặt khác, theo quy định hiện nay, điều
kiện áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14
tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội đã dẫn đến tình trạng họ có nhiều khả
năng bị áp dụng hình phạt tước tự do (như tù có thời hạn) mà ít có khả
năng được áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như hình phạt
cảnh cáo, phạt tiền hay hình phạt cải tạo không giam giữ. Điều này không
phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đề cao mục đích
giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự thời gian qua cho thấy hình phạt tù
giam được áp dụng nhiều nhất. Ví dụ như ở TP.HCM, phạt tù chiếm tỉ trọng
trên 90%. Loại hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và hình phạt
tiền (là hình phạt chính) được áp dụng rất ít hoặc hầu như không được áp
dụng. Đặc biệt, hình phạt tiền được áp dụng chủ yếu là hình phạt bổ
sung kèm với hình phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt chính khác cũng rất
ít.
Tình hình áp dụng biện pháp tư pháp
giáo dục tại phường, xã đối với người chưa thành niên phạm tội thời gian
qua hầu như cũng chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do chính điều luật
quy định biện pháp tư pháp chưa phù hợp với độ tuổi và thời gian áp
dụng.
Loại bỏ những hình phạt không hiệu quả
Bên cạnh đó, hình phạt tù mặc dù đã
qua nhiều lần sửa đổi trong BLHS thì vẫn còn khoảng cách chênh lệch giữa
các khung hình phạt tù. Cụ thể như độ co dãn giữa mức tối thiểu và tối
đa còn cao như mức từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được
thể hiện phổ biến ở các tội đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với hình phạt tiền thì độ chênh
lệch giữa mức tối thiểu và tối đa còn quá lớn dẫn đến tình trạng dễ áp
dụng tùy tiện và không bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật. Một
số loại tội phạm hình sự có quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực
tế hầu như Tòa án không áp dụng hình phạt này. Như tội hiếp dâm (Điều
111); tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112); tội buôn lậu (Điều 153); tội sản
xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh (Điều
157); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
(Điều 231).
Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội
Phan Hồng Sơn, cần nghiên cứu bỏ hình phạt cảnh cáo và cải tạo không
giam giữ vì thực tiễn áp dụng các hình phạt cho thấy, các hình phạt này
có tác dụng giáo dục, cải tạo không cao, mục đích của hình phạt không
đạt được. Cơ chế và biện pháp áp dụng thi hành án hai loại hình phạt này
gần giống với chế định án treo; nếu áp dụng hình phạt tù nhưng cho
hưởng án treo thì sẽ có cơ chế buộc đối tượng phải chịu hình phạt tù đã
tuyên nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách.
Ông Sơn cũng cho rằng, cần nghiên cứu
rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt tù
có thời hạn tại một số điều luật có khoảng cách này tương đối dài, tạo
điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng được dễ dàng, chính
xác, đồng thời hạn chế được tình trạng xử lý tội phạm một cách tùy tiện
trong các cơ quan này.
Ngoài việc nghiên cứu loại bỏ hình
phạt cảnh cáo, đại diện VKSNDTC còn kiến nghị nghiên cứu loại bỏ biện
pháp tư pháp buộc công khai xin lỗi và biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Bởi các biện
pháp này trong thực tế hầu như cũng không được áp dụng, hiệu quả đấu
tranh phòng, chống tội phạm không cao.
Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ hơn
chế định hình phạt tù, cho hưởng án treo như căn cứ, điều kiện, thủ tục
áp dụng, loại tội phạm áp dụng để tránh bị lạm dụng, phát huy hiệu quả
và đạt được mục đích áp dụng chế định này; tăng mức hình phạt tiền cao
hơn hiện nay để đảm bảo hình phạt này có đủ sức mạnh cưỡng chế cần thiết
đối với người phạm tội, tăng khả năng răn đe và triệt tiêu khả năng tái
phạm của người phạm tội.
Chuẩn bị cho công tác sửa đổi bộ luật
Hình sự, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần loại bỏ hình phạt tử hình ở một
số tội. Theo đó chỉ quy định hình phạt tử hình đối với các nhóm tội đặc
biệt nghiêm trọng như tội phạm về ma túy, giết người, cướp tài sản, tham
nhũng, các tội xâm phạm hòa bình, an ninh nhân loại gây hậu quả đặc
biệt nghiêm trọng. Những trường hợp không cần thiết thì quy định hình
phạt tù chung thân thay thế tử hình vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu đấu
tranh phòng, chống tội phạm. |