Tổng hợp thống kê báo cáo của Bộ Công
an cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2012, các cơ quan điều tra trong Công
an nhân dân (CAND) và các cơ quan khác trong CAND được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 340.130 vụ án hình sự,
với 532.548 bị can, chiếm gần 99% số lượng vụ án hình sự và trên 99% số
bị can bị khởi tố trong toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng nhiều
quy định tại BLHS hiện hành đang “bó tay” lực lượng thực thi công vụ.
Chẳng hạn, về các quy định ở Phần
chung của Bộ luật, Bộ Công an khẳng định nhiều quy định mới chỉ dừng lại
ở mức quy định chung, khái quát, cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng
quy định cụ thể hơn bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng. Ví dụ như
Điều 2 quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự chưa rõ ràng như thế nào là
trách nhiệm hình sự, thời điểm phát sinh và kết thúc trách nhiệm hình
sự; thẩm quyền xác định trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, BLHS cũng chưa có các khái
niệm về “nhiều tội phạm”, “phạm nhiều tội”, “phạm tội nhiều lần” dẫn đến
nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Có trường hợp hai hành vi nguy hiểm
cho xã hội chỉ bị xét xử về một tội, trong khi đó một hành vi nguy hiểm
cho xã hội bị xét xử về hai tội.
Tại Điều 8, khái niệm tội phạm chưa
bảo đảm tính khái quát; việc liệt kê các quan hệ xã hội được luật hình
sự bảo vệ vừa dài, vừa thiếu, chưa khoa học; việc phân loại tội phạm quy
định tại Khoản 3 Điều này chưa phù hợp với tên gọi của điều luật; đồng
thời khó xác định thế nào là “nguy hại không lớn”; “nguy hại rất lớn”,
“nguy hại đặc biệt lớn” cho xã hội.
Điều 15, điều luật quy định về phòng
vệ chính đáng còn mang tính nguyên tắc, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu
tranh phòng chống tội phạm, nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm và
hành vi vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.
Tại Điều 25, điều luật chưa xác định
cụ thể về thế nào là do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội
hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nên dẫn đến một số
trường hợp áp dụng pháp luật không thống nhất.
Cũng theo kiến nghị của Bộ Công an,
một số quy định về hình phạt không phù hợp với thực tiễn yêu cầu đấu
tranh phòng, chống tội phạm, cải tạo, giáo dục người phạm tội. Trong đó,
hình phạt cảnh cáo quy định tại Điều 29, do tính cưỡng chế không cao,
tác dụng phòng ngừa, giáo dục của hình phạt này rất hạn chế; đồng thời,
với điều kiện áp dụng là đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có
nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt nên trên
thực tế, hình phạt này ít được áp dụng.
Về hình phạt cải tạo không giam giữ
quy định tại Điều 31, Bộ Công an khẳng định hình phạt này rất ít được áp
dụng trên thực tế, tác dụng giáo dục, răn đe không cao, nội dung và cơ
chế xử lý tương tự như án treo lại không có cơ chế giám sát, giáo dục
nghiêm khắc nên có thể phát sinh sai phạm, tiêu cực trong quá trình áp
dụng.
Bộ Công an cho rằng duy trì hình phạt tử hình là cần thiết
Một loạt các bất cập khác tại các quy
định của BLHS 1999 cũng được Bộ Công an chỉ ra như: “Tại Điều 35, việc
duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, thể
hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay song
cần nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện, đối tượng hoãn thi
hành hình phạt tử hình cho đầy đủ”.
Thêm vào đó, một số quy định liên quan
đến quyết định hình phạt chưa phù hợp như Điều 46 chưa quy định trường
hợp đối tượng truy nã ra đầu thú, phạm nhân trốn trại ra đầu thú là tình
tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên gây khó khăn cho công tác vận
động đối tượng truy nã ra đầu thú cũng như việc áp dụng chính sách hình
sự đối với đối tượng truy nã ra đầu thú.
Bộ này cũng cho rằng, Điều 74 quy định
mức hình phạt tối đa đối với người chưa thành niên phạm tội không còn
phù hợp với thực trạng tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực
hiện trong thời gian gần đây, nhất là các vụ án giết người, cướp tài sản
đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận xã hội và gia đình
người bị hại. Điều 75 chưa quy định phương pháp tổng hợp hình phạt trong
trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, trong đó các tội phạm
đều được thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi.
Nhiều quy định ở Phần các tội phạm của
Bộ luật như về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội phạm sở hữu,
các tội phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về ma túy, các tội
xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, các tội tham nhũng… cũng đang được Bộ
Công an kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.
Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự án BLHS sửa đổi và đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết quá trình thực thi Luật này.
|