Khắc phục những bất cập
Theo quy định của Luật tổ chức TAND
năm 2002 thì hệ thống tổ chức Tòa án ở nước ta vẫn được tổ chức theo đơn
vị hành chính, bao gồm: TAND Tối cao, các TAND tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, các TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tính đến 30/6/2013, cả nước có 764 tòa án bao gồm: TAND Tối cao, 63 TAND
cấp tỉnh và 700 TAND cấp huyện (riêng huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa
chưa có Tòa án).
Nếu xét theo thẩm quyền xét xử, hệ
thống TAND có thể phân chia thành 763 Toà án cấp sơ thẩm (bao gồm 700
Toà án cấp huyện và 63 Toà án cấp tỉnh), 66 Toà án phúc thẩm (bao gồm 63
Toà án cấp tỉnh và 3 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao) và 69 cơ
quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (bao gồm 63 Uỷ ban Thẩm phán TAND
cấp tỉnh, 5 Toà chuyên trách của TAND Tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND
Tối cao).
Thực tiễn thi hành Luật tổ chức TAND
2002 đã thể hiện sự bất cập về cơ cấu tổ chức TAND các cấp. Đơn cử theo
quy định hiện hành, TAND cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính
cấp huyện. Như vậy, số lượng các TAND cấp huyện hiện nay là rất lớn và
đang có xu hướng tăng lên do nhu cầu thành lập mới các đơn vị hành chính
cấp huyện.
Với số lượng rất lớn các TAND cấp
huyện, việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực cho TAND cấp
huyện là một khó khăn, thách thức lớn, trong khi TAND cấp huyện là nơi
giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc
thẩm quyền của ngành TAND. Thêm vào đó, do tổ chức theo đơn vị hành
chính cấp huyện nên có nơi quá nhiều việc, ngược lại có nơi lại quá ít
việc...
Khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật
tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: các TAND được tổ chức gồm 4 cấp theo
thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Cụ thể là:
TAND sơ thẩm khu vực; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND
cấp cao và TAND Tối cao. Quy định 4 cấp tòa án như vậy là thể chế hóa
quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số
49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Về cơ bản, các TAND sơ thẩm khu vực sẽ
kế thừa đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có của các TAND cấp huyện
là chủ yếu, nhưng có sự sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng và kiện
toàn để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc đối với từng đơn vị và phù
hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng địa phương nơi TAND sơ thẩm khu
vực được thành lập.
Riêng đối với các huyện miền núi, vùng
sâu, vùng xa mà có địa bàn rộng, hệ thống giao thông, liên lạc không
thuận lợi và không phải là nơi đặt trụ sở của TAND sơ thẩm khu vực thì
trụ sở của Toà án cấp huyện ở những huyện này được giữ lại làm trụ sở
chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực để khắc phục khó khăn cho nhân dân có
công việc cần đến Toà án.
Trong trường hợp này, chi nhánh của
TAND sơ thẩm khu vực sẽ là nơi chủ yếu thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ
việc dân sự trên địa bàn và xét xử lưu động một số vụ án theo yêu cầu
phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật hoặc các nhiệm vụ
chính trị khác của địa phương. Như vậy, việc thành lập TAND sơ thẩm khu
vực sẽ không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công
việc cần giải quyết tại Tòa án.
Cấp tỉnh không có quyền kháng nghị
Theo quy định của Luật tổ chức tòa án
hiện hành, thẩm quyền xét xử của mỗi Toà án hiện đang được xác định vừa
theo lãnh thổ vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết, xét
xử các vụ án, trong đó TAND cấp huyện được tổ chức ở cấp huyện có thẩm
quyền xét xử sơ thẩm. Còn lại các Toà án cấp trên đều có thẩm quyền xét
xử hỗn hợp, hoặc vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm như của TAND Tối cao;
hoặc có đầy đủ cả ba thẩm quyền xét xử theo trình tự giải quyết một vụ
án, đó là vừa sơ thẩm, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm, tái thẩm như ở
Toà án cấp tỉnh.
Điều này là không thể hiện đúng, chính
xác tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Toà án mỗi cấp quy định
trong hệ thống Toà án. Đối với TAND Tối cao vẫn tiếp tục giải quyết, xét
xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh
bị kháng cáo, kháng nghị và trên thực tế, việc không ít các bản án,
quyết định phúc thẩm của các Toà phúc thẩm của TAND Tối cao đã bị kháng
nghị và bị huỷ theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm bởi chính TAND Tối
cao vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín pháp lý của TAND
Tối cao với tư cách là cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống Toà án.
Bên cạnh đó, việc pháp luật quy định
chế định Giám đốc thẩm, tái thẩm là nhằm tạo cơ chế khắc phục các sai
lầm trong việc giải quyết, xét xử các vụ án và để thống nhất trong việc
áp dụng pháp luật và đường lối xét xử trên bình diện chung của cả hệ
thống Toà án. Tuy nhiên thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm quá phân tán,
dàn trải thì mục tiêu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và xác
định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ bị
ảnh hưởng.
Trên thực tế, đã có những quyết định
Giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh, hoặc thậm chí có
trường hợp quyết định Giám đốc thẩm của Toà chuyên trách TAND Tối cao bị
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao huỷ nên làm hạn chế hạn chế ý nghĩa
pháp lý của chế định Giám đốc thẩm, tái thẩm.
Khắc phục những bất cập trên, Dự thảo
Luật tổ chức TAND sửa đổi phân định rõ thẩm quyền của TAND các cấp.
Chẳng hạn, TAND Tối cao không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm mà
chỉ thực hiện các chức năng giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác;
xét xử Giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp
dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về tổ chức
theo quy định của Hiến pháp; không quy định thẩm quyền kháng nghị Giám
đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh vì TAND cấp tỉnh không còn
Uỷ ban Thẩm phán; không thực hiện chức năng xét xử Giám đốc thẩm, tái
thẩm mà chỉ thực hiện việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm
các loại vụ việc theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ xét
xử đối với các Tòa án cấp dưới... Việc phân định rõ ràng này sẽ tránh
việc “dẫm chân nhau”, tạo điều kiện tối đa cho cả người dân và hoạt động
xét xử của Tòa án./.
|