Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên
được quy định tại Điều 20 Luật THADS, theo đó Chấp hành viên có 10
nhiệm vụ, có thể kể đến như kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân
công; ra các quyết định về THA theo thẩm quyền.
Cụ thể là thi hành đúng nội dung bản
án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ
tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm
chỉnh Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên; triệu tập đương sự,
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc THA; xác minh
tài sản...
Tuy nhiên, đó là những nhiệm vụ chung
nhất, còn các nhiệm vụ cụ thể được quy định ở các điều luật liên quan
đến quá trình tổ chức THA.
Trách nhiệm quá nặng
Theo đánh giá của Cục THADS tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu: “Hoạt động của Chấp hành viên là trung tâm của hoạt động
tổ chức THA, trực tiếp tác động đến tài sản, nhân thân đương sự, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì thế, luật đã quy định trách nhiệm
của Chấp hành viên quá nặng nề”.
Cũng theo phân tích của Cục THADS Bà
Rịa – Vũng Tàu, các quy định của Luật THADS hiện nay thiếu đảm bảo an
toàn cho Chấp hành viên. Cụ thể, trình tự, thủ tục THA rất chặt chẽ,
phức tạp, kéo dài, trong khi nhiều quy định không cụ thể, thiếu tính khả
thi, thiếu thống nhất dẫn đến cùng một vụ việc nhưng nhiều cách hiểu
khác nhau.
Ngoài ra, thời hạn áp dụng các trình
tự, thủ tục THA Luật quy định cứng và quá ngắn, không phù hợp thực tế,
nhất là những trường hợp áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng
chế. Vì vậy, Chấp hành viên khó tránh khỏi vi phạm về thời hạn. Bên cạnh
đó, các quyết định của Chấp hành viên được áp dụng ngay để tổ chức THA,
không có cơ chế xem xét lại. Vì vậy khi có thiếu sót, vi phạm thì phát
sinh ngay hậu quả, nhiều trường hợp rất khó khắc phục.
Tạo cơ chế pháp lý an toàn cho Chấp hành viên
Do đó, Cục THADS Bà Rịa – Vũng Tàu đề
nghị xây dựng cơ chế đảm bảo an toàn pháp lý cho Chấp hành viên theo
hướng không quy định cho Chấp hành viên những quyền có thể vượt quá chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan THADS; quy định quyết định cưỡng chế của
Chấp hành viên có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ban hành, nếu
các bên đương sự không khiếu nại, Viện kiểm sát không kháng nghị.
Đồng thời, Viện kiểm sát các cấp khi
thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật đối với hoạt động THADS cũng phải
chịu trách nhiệm của mình trong việc kiểm sát THADS. Như vậy sẽ tạo cơ
chế an toàn, hạn chế rủi ro cho Chấp hành viên trong hoạt động THADS.
Cục trưởng Cục THADS Đắk Lắk Bùi Đăng
Thủy cũng đề nghị mở rộng thêm quyền hạn, nhiệm vụ của Chấp hành viên,
đặc biệt là các quyền hạn liên quan đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng
chế THA; quyền yêu cầu phối hợp THA; quyền tạm giữ các phương tiện là
tài sản của người phải THA; quyền khám xét nơi ở, tạm giữ tiền, giấy tờ
của người phải THA.
Được biết, Dự thảo Luật THADS sửa đổi
đã bổ sung một số quy định để hạn chế tính rủi ro trong quá trình tổ
chức thi hành án cho Chấp hành viên; bổ sung quy định cách thức xử lý
trong trường hợp đương sự có đơn khởi kiện... đồng thời cũng quy định
chặt chẽ, cụ thể hơn để xử lý những vi phạm của Chấp hành viên./.
|