Mất quyền kiện vì hết thời hiệu
Tháng 11/1993, ông Nguyễn Văn Cảnh
(huyện Cần Giờ, TP.HCM) chuyển nhượng cho ông Trần Văn Bằng một mảnh đất
nông nghiệp. Sau khi thỏa thuận xong, ông Cảnh nhận của ông Bằng ba chỉ
vàng tiền cọc.
Tuy nhiên, việc mua bán không thành
khi vợ ông Cảnh phát hiện chồng mình tự ý bán đất. Bà này yêu cầu chồng
dừng việc mua bán và hoàn trả lại số tiền cọc. Ông Bằng không đồng ý nên
tháng 10/2000, ông khởi kiện ra TAND huyện Cần Giờ. Sau đó, TAND huyện
Cần Giờ ra quyết định đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện. TAND
TP.HCM cũng xác định việc đình chỉ của Tòa cấp sơ thẩm là đúng.
Vì vậy, theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật
Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, quy định trên không đảm bảo
lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự, là căn cứ để Tòa án từ
chối giải quyết vụ việc dân sự theo thời hiệu (Bộ luật Tố tụng Dân sự
sửa đổi năm 2011 quy định Tòa án sau khi thụ lý vụ việc mà thấy vụ việc
đã hết thời hiệu khởi kiện thì ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ
việc).
“Xét về nguyên lý, khi người dân có
yêu cầu, Tòa án không có quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự,
việc quy định thời hiệu là để nhằm tạo công cụ đối kháng cho các bên
trong thực hiện quyền yêu cầu hoặc miễn trừ nghĩa vụ, căn cứ vào thời
hiệu Tòa án quyết định một bên được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc được
hưởng quyền dân sự” - ông Huệ phân tích.
Mặt khác, BLDS hiện hành quy định về
thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm quan hệ
được xác lập hoặc từ thời điểm xảy ra vi phạm là không phù hợp với thực
tiễn. Để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thiện chí, ngay tình trong quan
hệ dân sự, về nguyên lý, thời hiệu cần được tính từ thời điểm bên có
quyền biết hoặc phải biết có sự vi phạm điều kiện có hiệu lực hoặc có
hành vi vi phạm nghĩa vụ.
Để khắc phục hạn chế trên, ông Huệ cho
rằng việc sửa đổi quy định về thời hiệu cần hướng tới ba nội dung cơ
bản. Cụ thể, chỉ quy định hai loại thời hiệu là thời hiệu miễn trừ nghĩa
vụ dân sự và thời hiệu hưởng quyền dân sự.
“Thời hiệu khởi kiện sẽ không quy định
lại trong BLDS sửa đổi. Khi người dân khởi kiện vụ việc dân sự thì
không phụ thuộc vào thời hiệu khởi kiện. Tòa phải thụ lý, giải quyết
trên cơ sở thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ
dân sự” - ông Huệ nhấn mạnh.
Về thời điểm bắt đầu thời hiệu hưởng
quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ, nên sửa đổi theo nguyên tắc được
tính từ ngày bên có quyền biết hoặc phải biết bên có nghĩa vụ vi phạm
nghĩa vụ. Ngoài ra, đối với thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch
vô hiệu cần quy định rõ về việc giao dịch được công nhận có hiệu lực khi
hết thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu mà không có yêu
cầu; đồng thời sửa đổi, bổ sung về thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu
theo giải pháp tính từ ngày chủ thể biết hoặc buộc phải biết có hành vi
vi phạm dẫn tới hành vi pháp lý vô hiệu.
Chưa ngã ngũ vấn đề
Ông Huệ cho biết có hai luồng quan
điểm trái ngược trong việc bỏ hay giữ thời hiệu khởi kiện. Ý kiến ủng hộ
việc bỏ thời hiệu khởi kiện cho rằng nếu quy định thời hiệu thì tòa có
thể căn cứ vào đó để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà
không đưa ra phán quyết cụ thể, không xác định quyền lợi, nghĩa vụ của
các bên. Từ đó không bảo đảm công bằng cho các chủ thể.
Trong hoàn cảnh không được Nhà nước
bảo vệ quyền lợi, các bên có thể tự mình áp dụng những hành xử ngoài
vòng pháp luật, gây mất trật tự xã hội. Trên thế giới, nhiều nước cũng
không quy định về thời hiệu khởi kiện.
Trong khi đó, ý kiến phản đối đề nghị
nên tiếp tục kế thừa quy định về thời hiệu khởi kiện nhằm nâng cao trách
nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho
mình, đồng thời không tạo áp lực cho tòa khi giải quyết những vụ việc đã
xảy ra từ lâu, khó thu thập chứng cứ, khó xác minh nội dung…
Hiện vấn đề này vẫn tiếp tục gây tranh
cãi. Có người phản đối vì sợ ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết án mà
xưa nay các tòa vẫn quen áp dụng nhưng nhiều ý kiến khác lại bảo bỏ là
đúng.
TS Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà
Nội) nói không thể bỏ thời hiệu khởi kiện bởi quyền khởi kiện đối với
một vụ việc dân sự không thể kéo dài mãi mãi. Quan điểm này nhận được
nhiều ý kiến đồng tình: “Vẫn cần quy định thời hiệu, vấn đề là kéo dài
bao lâu thôi chứ quy định như Dự thảo thì khối lượng công việc của ngành
Tòa án sẽ khổng lồ, không đáp ứng nổi”.
Ngược lại, PGS.TS Nguyễn Như Phát -
Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật phản bác: “Từ trước tới nay, tôi
vẫn quan niệm mục đích của các quy định về thời hiệu không phải là nhằm
loại trừ thẩm quyền của Tòa mà nhằm tạo cho một bên trong vụ kiện có
công cụ pháp lý để chống lại bên kia”.
Ông Lê Khắc Hạnh (TAND TP.Hải Phòng)
thì dẫn chứng trường hợp yêu cầu tuyên bố một người đã chết hoặc mất
tích để phân tích rằng không thể tính thời hiệu được. Theo ông, có những
trường hợp đương sự vì lý do nào đó mà gián đoạn thông tin với thân
nhân một vài năm. Nếu Tòa căn cứ vào yêu cầu của một bên rồi tuyên bố họ
mất tích sau một năm tìm kiếm thì rất dễ bị “hố”.
Thực tế đã có nhiều người sau khi Tòa
tuyên bố mất tích lại trở về sinh sống bình thường. Khi ấy, không chỉ
Tòa khó “gỡ” về mặt tố tụng mà xét về tình cảm, đạo đức xã hội cũng khó
ăn khó nói vì gia đình người bị tuyên bố mất tích luôn có tâm lý ngóng
chờ tin tức người thân. Đấy là chưa kể quyền lợi của các bên liên quan
đều có thể bị ảnh hưởng.
Trưởng phòng Pháp luật Dân sự (Vụ Pháp
luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải nhận xét quy định thời
hiệu trong luật hiện hành mang nặng tính chất từ chối giải quyết vụ
việc. Hậu quả của việc Tòa không nhận đơn kiện của người dân có thể thúc
đẩy hoạt động đòi nợ thuê trong xã hội tăng nhanh. Vì thế, việc bỏ tất
cả các quy định về thời hiệu khởi kiện như Dự thảo là hợp lý.
“Chúng ta phải thừa nhận nguyên tắc
Tòa án không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do hết
thời hiệu yêu cầu. Ở nước ngoài quy định thời hiệu là để bảo vệ quyền
lợi hợp pháp của đương sự chứ không phải để Tòa từ chối giải quyết như ở
ta” - ông Hải chia sẻ.
|