Nghị quyết nêu rõ, người lao động được bảo lưu thời gian đóng
bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết
tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người
lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham
gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm
đóng bảo hiểm xã hội, khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nghị quyết cũng đưa ra mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối
với người tham gia bảo hiễm xã hội bắt buộc và tự nguyện. Cụ thể: 1,5 tháng mức
bình quân tiền lương tháng đóng cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức
bình quân tiền lương tháng đóng cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Nghị
quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2016, trùng với thời gian Luật bảo
hiểm xã hội 2014 có hiệu lực.
Sáng cùng ngày, dự thảo luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với gần 89% đại biểu đồng
thuận. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, một số ý kiến của
đại biểu trong phiên thảo luận đã được tiếp thu và bổ sung vào dự luật.
Cụ thể, về trách nhiệm người đứng đầu, tiếp thu ý kiến đại
biểu, ban soạn thảo đã bổ sung vào dự án luật như sau: “Người đứng đầu cơ quan,
tổ chức chủ trì soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra và ban hành văn bản quy
phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm
về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của
pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan
trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ,
không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm
pháp luật được phân công thực hiện".
"Đây cũng là một trong những căn cứ để đại biểu Quốc hội
xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp
luật nêu.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày
1/7/2016.
|