Nhiều quy định hướng đến phụ nữ, trẻ em
Giới thiệu Dự thảo Bộ
luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bà Lê Thị Hòa (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính,
Bộ Tư pháp) cho biết, các quy định của Dự thảo BLHS liên quan đến phụ nữ là người
phạm tội và các hành vi xâm hại phụ nữ đã cụ thể hóa nguyên tắc xử lý hình sự,
nhất là thể hiện sâu sắc tinh thần của Hiến pháp về bình đẳng giới.
Chẳng hạn về chế định phòng
vệ chính đáng, Dự thảo BLHS đã quy định một số trường hợp đương nhiên được coi
là phòng vệ chính đáng, trong đó có trường hợp chống trả lại người đang thực hiện
hành vi hiếp dâm nhằm bảo vệ đối tượng bị hại là người yếu thế, đặc biệt là phụ
nữ và trẻ em gái. Về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, Dự
thảo quy định người phạm tội là phụ nữ có thai là một tình tiết giảm nhẹ trách
nhiệm hình sự và quy định trường hợp phạm tội với phụ nữ có thai là một trong
những tình tiết tăng nặng.
Ngoài ra, trong các quy
định về hệ thống hình phạt, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có
thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không bị áp dụng quy định chuyển đổi
từ phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường
hợp cố tình chây ỳ không chấp hành.
Còn hình phạt tử hình sẽ
không áp dụng với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi
con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử, đồng thời án tử hình đã
tuyên cũng không thi hành đối với phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng
tuổi đã bị tuyên án tử hình mà được chuyển thành hình phạt tù chung thân.
Cùng với việc không áp
dụng và không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới
36 tháng tuổi, Dự thảo BLHS còn có những quy định cho đối tượng này được hoãn
hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Tại Phần các tội phạm cụ
thể, bên cạnh các quy định tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ là nạn
nhân của tội phạm, theo bà Hòa, Dự thảo BLHS quy định tội giết hoặc vứt bỏ con
mới đẻ là một trường hợp giảm nhẹ đặc biệt trách nhiệm hình sự của hành vi giết
người.
Quy định trên xuất phát
từ việc nhìn nhận người mẹ do ảnh hưởng từ việc sinh đẻ nên tâm sinh lý không
bình thường, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn bị hạn chế hay trường
hợp phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (tư tưởng trọng nam khinh
nữ, hủ tục của cộng đồng dân cư nơi sinh sống) hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc
biệt chi phối (người mẹ sinh con trong hoàn cảnh vô gia cư, thất nghiệp, đang bị
bệnh hiểm nghèo…) mà giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết
là yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với những trường hợp giết người thông
thường.
Không những thế, Dự thảo
cũng quy định theo hướng tăng nặng hình phạt để bảo đảm tính răn đe với người
phạm tội, nhất là hiện nay hành vi vứt con mới đẻ xảy ra tương đối phổ biến.
Lương tâm phán xét đã là hình phạt nặng nề
Bà Nguyễn Thanh Trà (Ủy
ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) kiến nghị, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của
phụ nữ và trẻ em cần cân nhắc giữ nguyên quy định hiện hành chứ không nên sửa đổi
tình tiết định khung phạm tội giết người là phụ nữ có thai, trẻ em thành tình
tiết phạm tội giết người mà biết người đó là trẻ em, phụ nữ có thai.
Bởi qua thực tiễn, các
cán bộ điều tra khó xác định được người phạm tội biết hay không biết nạn nhân
là trẻ em, phụ nữ có thai. Riêng tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, dự kiến sửa đổi
như trên theo bà Trà là chưa thể hiện tính nhất quán nói chung, có thể gây bất
hợp lý, thiếu công bằng.
Nhận định Dự thảo BLHS
có nhiều quy định bảo vệ phụ nữ ngay từ khi còn là trẻ em nhưng Phó Giám đốc Học
viện Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Thanh Vân tiếp tục đề xuất cần loại trừ trách nhiệm
hình sự đối với phụ nữ phạm tội giết hoặc vứt con mới đẻ, sử dụng biện pháp
thay thế phù hợp tương tự như đối với người chưa thành niên.
Bà Vân lý giải, hành vi
này tuy trái với bản năng người mẹ vốn rất tự nhiên của phụ nữ, ảnh hưởng đến
quyền được sống và được sống có mẹ, có cha của đứa trẻ song không phải là hành
vi phổ biến. Sự hối lỗi, đau khổ trong suốt cuộc đời của phụ nữ sau khi giết hoặc
vứt con mới đẻ đã là hình phạt tự nhiên khá nặng nề cho hành vi đó của họ nên
không cần thiết phải đẩy họ vào con đường lao lý, có thể không tốt cho bản thân
họ và ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác do họ sinh ra về sau.
“Khi sử dụng biện pháp
thay thế sẽ giúp họ nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi để không tái phạm
và làm tốt hơn vai trò người mẹ của mình trong thực tế” – bà Vân nhấn mạnh.
|