Sửa đổi BLHS để đáp ứng yêu cầu thực
tiễn
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ sau 14 năm thi hành, Bộ luật Hình sự (BLHS) đã
tác động tích cực trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con
người, quyền công dân.
Tuy nhiên, sau 14 năm thi hành luật,
nhất là khi đất nước ta có những thay đổi lớn về mọi mặt thì Bộ luật cũng đã
bộc lộ những bất cập. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến
hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng
tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất,
nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho BLHS hiện
hành không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã đặt
ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, trong đó có
pháp luật hình sự với tính cách là công cụ pháp lý quan trọng và sắc bén nhất
trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Người dân chưa thực sự cảm thấy an
toàn về môi trường sống, vẫn còn xảy ra những vụ giết người, cướp của gây chấn
động trong dư luận và gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân; người
dân chưa thực sự yên tâm phát huy tính sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh
doanh cũng như tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm và các vi phạm
pháp luật. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, mất an toàn
trong lao động, trong xây dựng, trong khi tham gia giao thông cũng đã đến mức báo
động.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp
của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi BLHS. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho
rằng việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS lần này trước hết cần tập trung giải
quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công
tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được làm rõ trong quá trình tổng kết thực
tiễn thi hành BLHS; chỉ bổ sung những vấn đề mới thực sự cần thiết, đáp ứng yêu
cầu thực tiễn, hoàn thiện chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tán thành định hướng hạn chế hình phạt tử hình
Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với
định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: Giảm bớt số
tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các
trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình
nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo
của Nhà nước ta.
Tuy nhiên, về giảm bớt số tội danh
có hình phạt tử hình, hiện còn ý kiến khác nhau.
Đa số ý kiến các ủy viên Ủy ban Tư
pháp tán thành việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, gồm: cướp tài sản;
phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh
lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài
người; tội phạm chiến tranh.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác tán
thành với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung vào BLHS quy định về
trách nhiệm hình sự và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân là tổ
chức kinh tế.
Thảo luận tại phiên họp, các đại
biểu tập trung cho ý kiến về dự thảo quy định về xử lý hình sự với pháp nhân và
hạn chế hình phạt tử hình.
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (TP. Hà
Nội) bày tỏ sự đồng thuận về các quy định hạn chế hình phạt tử hình, đồng thời,
dự thảo Bộ luật cũng cần quy định rõ các điều kiện áp dụng tử hình, như không
áp dụng tử hình với vị thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36
tháng và người trên 70 tuổi.
Theo đại biểu, việc mở rộng các
trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, phù hợp với tính nhân đạo của dân
tộc ta
Đại biểu Trần Xuân Hùng (tỉnh Hà
Nam) tán thành việc phải lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật này bởi
đây là bộ luật lớn, thể hiện rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta hiện
nay. Đồng thời, đại biểu tán thành quy định của dự thảo về truy cứu trách nhiệm
hình sự pháp nhân bởi trên thế giới đã có đến có 119 nước và vùng lãnh thổ áp
dụng hình phạt này.
Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa
(TP.HCM), Lương Văn Thành (TP. Hải Phòng) cho rằng, pháp luật có thể xử lý hình
sự pháp nhân sao cho phù hợp với hành vi và trách nhiệm của từng chủ thể vi
phạm. Đồng thời, xã hội càng phát triển thì càng nên giảm án tử hình, kết hợp
với việc quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng án tử hình khi ta thu hẹp đối
tượng phải chịu hình phạt này.
Không hình sự hóa quan hệ dân sự,
kinh tế
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang
Vinh góp ý, đây là bộ luật quan trọng chi phối việc bảo vệ an ninh, an toàn xã
hội, Quốc hội đang cố gắng sửa đổi các đạo luật để bám sát tinh thần Hiến pháp
2013 nhằm bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân, theo xu thế chung của
quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình sửa đổi các đạo
luật theo tinh thần của Hiến pháp không để tình trạng “Hiến pháp mở ra, điều
luật đóng lại”, đây là tinh thần xuyên suốt cần được thực thi trong quá trình
làm luật.
Chúng ta quy định “người dân được
làm những gì pháp luật không cấm” thì kiên quyết không “hình sự hóa” các quan
hệ dân sự, kinh tế bởi điều này đã được nói nhiều nhưng nếu không kiên quyết
làm sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư. Do đó, phải có giải pháp đúng, trừ những trường
hợp gây nguy hiểm cho xã hội, còn những trường hợp khác thì phạt thật nặng về
kinh tế. Bảo đảm và tạo thuận lợi cho số đông, không thể vì một số nhỏ vi phạm
mà chúng ta ban hành luật để áp dụng cho số đông.
Ủng hộ việc tăng cường phạt tiền
thay cho tù đối với người phạm tội vì tiền, một số tội phạm kinh tế, tuy nhiên
đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng, không nên áp dụng quy định này với
loại tội phạm lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bởi loại tội phạm
này đã làm tan nát không biết bao gia đình khi đi lừa đảo mọi người.
Đại biểu Đương cũng đồng tình việc
truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, nhất là các doanh nghiệp kinh tế bởi
hiện đang có nhiều vấn đề pháp nhân đang gây ra như lạm dụng tín nhiệm chiếm
đoạt tài sản, gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế, sản xuất hàng giả với các chế
tài như đình chỉ pháp nhân hoạt động, phạt tiền, phạt hành chính thật nặng.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
Nguyễn Doãn Khánh (đại biểu Phú Thọ) đồng ý đưa 7 trong số 22 tội danh của BLHS
hiện hành ra khỏi khung hình phạt tử hình như dự thảo.
Về tội tham nhũng, ông Nguyễn Doãn
Khánh đồng tình với Ban soạn thảo là mở rộng chủ thể với các đối tượng là người
nước ngoài, tổ chức nước ngoài. Không nên bỏ tội danh cố ý làm trái gây hậu quả
nghiêm trọng, nếu bỏ tội danh này sẽ không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng
chống tội phạm hiện nay.
|