Việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS)
của pháp nhân là nội dung đã được Quốc hội thảo luận trong nhiều phiên họp.
Trong phiên thảo luận công khai tại Hội trường QH hôm nay (16/5), lại một lần
nữa vấn đề này lại làm nóng hội trường.
Theo nhận định của nhiều ĐB trong
phiên thảo luận, Luật Hành chính, Luật Dân sự đã quy định trách nhiệm của pháp
nhân. Tuy nhiên, những chế tài của các luật này dường như không đủ sức để răn
đe, ngăn chặn tình trạng pháp nhân gây tác hại cho cộng đồng xã hội. Do đó, đa
số ĐB trong phiên họp hôm nay đều đưa ra quan điểm đồng tình với quy định về
trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phát
biểu: “Tôi tán thành với các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Bộ luật hình
sự, trong Tờ trình của Chính phủ, đó là đổi mới nhận thức về chính sách hình sự
mà trọng tâm đổi mới quan niệm về tội phạm hình phạt. Bởi vậy, việc quy định
trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự là phù
hợp”.
Theo ĐB, quy định như vậy sẽ đáp ứng
yêu cầu phòng, chống các hành vi của các pháp nhân có tính chất nguy hiểm cho
xã hội và khá phổ biến trong thực tiễn hiện nay của xã hội ta. Khi các
biện pháp xử lý hành chính dân sự không đủ mức độ răn đe, ngăn chặn các hành vi
của các pháp nhân, dự thảo luật đã có những quy định về xác định trách nhiệm
hình sự của pháp nhân.
Ông cũng đề nghị khi xác định trách
nhiệm hình sự của pháp nhân cần lưu ý đến hậu quả của việc đình chỉ giải
thể pháp nhân ra sao? Xử lý theo trình tự thủ tục nào? Vấn đề bảo vệ quyền lợi
người lao động ra sao? Đồng thời, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp
nhân, cần bổ sung các quy định về tố tụng hình sự đối với pháp nhân.
ĐB Xuân Hùng, Hà Nam nhận định quy
định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, không phải là vấn đề mới, trên
thế giới đã đặt ra vấn đề này và quy định trong luật hình sự từ rất lâu. Có
119/173 nước quy định, Việt Nam cũng vậy. Trong suốt 30 năm nay, đây vẫn là vấn
đề tranh luận.
“Về phương diện lý luận thì pháp
nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, không có gì phải bàn cãi, khoa học pháp lý
cũng đã chứng minh vấn đề này. Tôi đề nghị chúng ta hết sức thận trọng và có lộ
trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách
pháp luật hình sự, tạo sự ổn định cho Bộ luật hình sự.” ông nói.
ĐB nhất trí với quan điểm trước mắt
là: Chỉ quy định pháp nhân ở một số tổ chức kinh tế phải chịu trách nhiệm hình
sự. Về hình phạt đối với pháp nhân. ĐB yêu cầu chế tài đó phải cao hơn tất cả
các chế tài khác như chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài kinh tế.
ĐB đề nghị cần cân nhắc loại hình
phạt này để tránh việc hình sự hóa quan hệ hành chính, tránh sự lạm dụng của cơ
quan tiến hành tố tung khi áp dụng điều luật làm ảnh hưởng đến hoạt động của
pháp nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng tình cao độ với quy định trách
nhiệm hình sự của pháp nhân, ĐB TrầnVăn Độ phân tích: “Mặc dù chúng
ta đã có trách nhiệm hành chính, bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân. Nhưng
luật hành chính hiện nay của chúng ta chưa đủ mạnh để xử lý tình trạng pháp
nhân gây thiệt hại vô cùng to lớn. Mức tối đa hiện nay của quy định xử
phạt hành chính cũng không có tác động gì đối với các tập đoàn lớn, những công
ty đa quốc gia. Ví dụ vụ vedan, gây thiệt hại rất lớn nhưng chúng ta chỉ xử
phạt được tối đa hơn 200 triệu.
Về bồi thường cũng vậy, nếu yêu cầu
bồi thường theo thủ tục dân sự, người dân phải tự nộp án phí, tự chứng minh
thiệt hại. Cũng lại ví dụ vụ Vedan, làm sao người dân tự chúng minh được thiệt
hại của mình. Hơn nữa, án phí quá lớn dân lấy đâu ra để nộp? Không quy định
trách nhiệm hình sự, dân không có tiền để kiện pháp nhân, Còn nếu xử hình sự,
việc chứng minh thiệt hại sẽ do cơ quan điều tra.”
Một lý do nữa ĐB Trần Văn Độ (An
Giang) đưa ra là xu thế thế giới hiện nay đối với việc quy định trách nhiệm của
pháp nhân, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, không nên đi ngược với xu
thế.
“Cũng không ngẫu nhiên, trước năm
1990, chỉ vài nước quy định trách nhiệm hình sự cá nhân, trong khi đó, chỉ 20
năm đã có gần 200 nước. Việc pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài bị xử,
còn pháp nhân họ vào Việt Nam không bị xử, đó là một điều bất bình đẳng”,
ông Độ nói thêm.
|