Nhiều kết quả tích cực
Luật TGPL được Quốc hội khóa XI Kỳ
họp thứ 9 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 - là văn bản có hiệu lực
pháp lý cao đánh dấu mốc quan trọng về công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý cần
thiết thúc đẩy sự phát triển về tổ chức và hoạt động TGPL ở Việt Nam.
Sau 8 năm thực hiện, Luật TGPL và
trên 40 văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư
pháp và các Bộ, ngành Trung ương đã tạo hành lang pháp lý tương đối cụ thể để
công tác TGPL phát triển trong thực tiễn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển
khai Luật.
Để triển khai thi hành Luật TGPL, hệ
thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm
TGPL nhà nước, 199 Chi nhánh ở cấp huyện và liên huyện, 5.343 Câu lạc bộ
TGPL.
Ngoài ra, có 57 Công ty luật, 220
Văn phòng luật sư và 40 Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Đội
ngũ người thực hiện TGPL cũng được củng cố với 572 trợ giúp viên pháp lý, 1.136
luật sư, 175 tư vấn viên pháp luật tham gia TGPL với tư cách cá nhân và khoảng
9.400 cộng tác viên khác thực hiện TGPL.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa
phương, 8 năm qua cả nước đã thực hiện TGPL miễn phí được hơn 940 nghìn vụ việc
cho gần 988 nghìn đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng
bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác trong xã hội…
Các đại biểu tham dự đều nhất trí
với đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền trong lời phát biểu
khai mạc Hội nghị. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, những kết quả trên
đã nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ khi có
vướng mắc pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng
ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, đồng thời tham gia sản xuất,
vươn lên xóa đói, giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tuy nhiên, Thứ trưởng thẳng thắn cho
rằng, công tác TGPL hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập từ các quy
định của Luật, từ quá trình triển khai thực hiện Luật TGPL…
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền
mong muốn các đại biểu đề xuất những định hướng xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) để
nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TGPL, đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân
và yêu cầu bối cảnh thực tiễn, nhất là sau khi có Hiến pháp 2013 và Nghị quyết
số 67/187 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
“Danh chính ngôn thuận” cho trợ giúp
viên pháp lý
Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh
cho biết, trong thời gian tới, cùng với sự tham gia tích cực của đội ngũ luật
sư thì sau năm 2025, người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các
đối tượng thuộc diện được Nhà nước TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời,
chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường cũng như
sẽ chuyển các Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, tinh
giản tổ chức, bộ máy, biên chế và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong
việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước…
Để đạt được phương hướng này, một
trong những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện là nghiên cứu, xây dựng
Luật TGPL (sửa đổi) trình Quốc hội ban hành, trong đó xem xét mở rộng đối tượng
được TGPL là người thuộc hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; nạn nhân bạo lực gia
đình, người bị nhiễm HIV, nạn nhân của tội mua bán người, trẻ em dưới 18 tuổi,
những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa.
Đồng tình với bà Minh, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng nên mở rộng đối tượng được TGPL thêm
hộ cận nghèo và các đối tượng sắp mãn hạn tù vào Luật TGPL vì đây là hai nhóm
đối tượng rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước nhằm đảm bảo cho mọi công dân đều
bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội.
Đặc biệt, theo ông Tịnh, cần sớm
nâng cao vị thế của trợ giúp viên pháp lý bằng chức danh luật sư, không chỉ
giúp người dân dễ tiếp cận, hiểu rõ về hoạt động TGPL mà còn tạo điều kiện
thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý trong khi hoạt động nghề nghiệp của mình;
quy định rõ hơn, đầy đủ hơn tư cách tham gia tố tụng của luật sư là trợ giúp
viên pháp lý trong các đạo luật như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng
Dân sự; tăng cao hơn nữa mức chi bồi dưỡng cho trợ giúp viên tham gia tố tụng.
Liên quan đến mức chi bồi dưỡng nói
riêng và nguồn lực tài chính nói chung cho công tác TGPL, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp
chế Đặng Công Khôi nhận định, nguồn kinh phí hàng năm đều tăng dần nhưng vẫn
hạn chế so với nhu cầu thực tiễn.
Khắc phục vấn đề này, quan điểm của
ông Khôi là cần thúc đẩy, huy động sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức, cá
nhân. Không những thế, ông Khôi mạnh dạn kiến nghị phải tính đến việc thu một
phần chi phí trên cơ sở phân loại đối tượng, theo mức độ ưu tiên và theo mức
thu nhập hàng tháng tương tự một số nước phát triển đã tiến hành.
|