Đảm bảo quyền lợi cho mọi người
khi lập di chúc
Dự thảo Khoản 1 Điều 670 Dự thảo
BLDS sửa đổi quy định: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai
phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo
pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản
hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những
người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 643 hoặc họ là những người
không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 của Bộ luật này:
Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng
lao động.
Nếu quy định như Dự thảo có thể
không đảm bảo hoàn toàn quyền của người lập di chúc vì theo Khoản 1 Điều 649,
người lập di chúc có quyền “chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản
của người thừa kế”. Trên thực tế có nhiều người là cha, mẹ, vợ, chồng của người
lập di chúc lại có hành vi bạo hành, ngược đãi chính người lập di chúc dẫn đến
bị xử lý hình sự; hoặc vợ, chồng cũng có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức
đối với nhau như ngoại tình, cờ bạc, nghiện hút phá tán tài sản dẫn đến phải
phân chia tài sản nhưng lại đương nhiên được thừa kế 2/3 xuất nếu chia theo
luật sẽ rất bất công.
Phân chia theo thoả thuận?
Cụm từ: “trong trường hợp họ không
được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn
hai phần ba suất đó” thể hiện rất rõ ý chí của người lập di chúc. Nguyên tắc tự
do, tự nguyện cam kết và thoả thuận trong giao dịch dân sự là nguyên tắc tối
thượng cần được tôn trọng vì đó là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu thể hiện ý chí
định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Họ không cho ai, vì lý do gì
hoặc chỉ cho phần nào là quyền của họ.
Đối tượng là cha, mẹ thì dù thế nào
cũng vẫn là người có công sinh ra người lập di chúc cùng với đối tượng là con
chưa thành niên, con đã thành niên mà không còn khả năng lao động có thể xem là
đối tượng đương nhiên được hưởng di sản không phụ thuộc nội dung di chúc như Dự
thảo quy định.
Nhưng đối tượng là vợ, chồng mà quy
định như vậy sẽ rất khó cho người lập di chúc, mặc dù không nghiêm trọng để
phải truất quyền hưởng di sản nhưng trong di chúc người lập di chúc thể hiện rõ
không cho người vợ hoặc người chồng hưởng di sản vì lý do cá nhân của mỗi người
cũng rất cần được tôn trọng.
Ví dụ, hai vợ chồng sống ly thân,
mâu thuẫn rất căng thẳng, họ thống nhất chia tài sản chung bằng một văn bản
công chứng hoặc yêu cầu toà án phân chia để mỗi người được tự do định đoạt phần
tài sản của mình. Cả hai người đều muốn khi chết đi, phần tài sản riêng của mỗi
người hoàn toàn thuộc về những người gần gũi, thân thích nhất của mình mà không
muốn người kia (vợ, chồng) được hưởng gì vì tình cảm giữa họ với nhau không
còn.
Ngoài ra, nếu hai người còn có thoả
thuận rằng trong mọi trường hợp, không ai, kể cả người thừa kế riêng theo pháp
luật của mỗi người cũng không được nhận bất kỳ lợi ích gì từ phần tài sản của
người kia khi người đó chết, thì pháp luật cần có quy định tôn trọng thoả thuận
của họ mà không thể áp đặt bằng một công thức chung như Dự thảo được.
Do vậy, cần có quy định: Nếu di chúc
của người vợ hoặc người chồng có nội dung thể hiện rõ không cho người kia hưởng
di sản vì lý do gì, hoặc trước, trong hoặc sau thời kỳ hôn nhân mà hai người có
lập văn bản thoả thuận tại cơ quan có thẩm quyền hoặc được toà án ghi nhận
trong mọi trường hợp, không ai, kể cả người thừa kế riêng theo pháp luật của
mỗi người được nhận bất kỳ lợi ích gì từ phần tài sản của người kia khi người
đó chết thì không áp dụng tỉ lệ phân chia di sản cho người thừa kế không phụ
thuộc vào nội dung của di chúc mà sẽ phân chia theo thoả thuận đã ký kết hoặc
theo di chúc của mỗi người.
|