Khó có thể bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân
Về cơ bản các quy định của BLHS hiện
hành đã tạo cơ sở pháp lý toàn diện và đầy đủ để các cơ quan tiến hành
tố tụng sử dụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Báo cáo
của các Bộ, ngành cũng đánh giá, công tác thi hành BLHS đạt được những
kết quả nhất định, các cơ quan tiến hành tố tụng ở các cấp đã triển khai
và thực hiện nghiêm túc các quy định của BLHS.
Riêng báo cáo của ngành Tòa án còn khẳng
định, hoạt động áp dụng các quy định của BLHS đã thể hiện tinh thần chủ
động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, qua đó bồi
dưỡng mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ
pháp luật; công tác xét xử cũng có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm
về chất lượng và số lượng giải quyết án, đảm bảo công bằng trong xét xử,
bản án tuyên được người dân đồng tình ủng hộ…
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển
nhanh về kinh tế - xã hội, nhất là trước nhu cầu hội nhập quốc tế, BLHS
đã và đang bộc lộ không ít vướng mắc, bất cập như chưa nêu khái niệm
pháp lý rõ ràng về người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức; chưa
xác định rõ nguyên tắc cá thể hóa hình phạt nhằm bảo đảm sự công bằng
giữa hành vi phạm tội, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm
tội, nhân thân người phạm tội với hình phạt áp dụng áp dụng trong vụ án
có đồng phạm…
Bên cạnh đó, một số hành vi nguy hiểm
phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, nhưng vẫn chưa được hình sự
hóa hoặc chưa được hình sự hóa một cách đầy đủ như hành vi lạm dụng lao
động trẻ em, đối xử tàn tệ để bóc lột sức lao động trẻ em; thành lập
hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; tham ô, hối lộ trong lĩnh vực tư,
hối lộ công chức nước ngoài, làm giàu bất hợp pháp…
Tại Diễn đàn Đối thoại chính sách về
pháp luật hình sự trong thời kỳ hội nhập ở Việt Nam do Bộ Tư pháp và
UNDP phối hợp tổ chức vào hôm qua – 29/8, Giám đốc quốc gia Cơ quan
phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc Zhuldyz Akisheva nhận
định, BLHS hiện hành của Việt Nam chỉ truy cứu trách nhiệm đối với cá
nhân người phạm tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp
nhân trong khi đây là nội dung rất quan trọng của pháp luật hình sự của
nhiều nước trên thế giới. Đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ thì bình luận,
nhiều quy định trong BLHS còn chung chung, chưa rõ ràng, khó có thể bảo
vệ quyền và lợi ích cho công dân…
Tội phạm về kinh tế, tài sản sẽ ít bị tử hình
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp
Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: “Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì soạn
thảo Dự án BLHS sửa đổi, Bộ Tư pháp đang tích cực nghiên cứu, chuẩn bị
tài liệu sửa đổi BLHS”. Đại diện Bộ Tư pháp đã chia sẻ với các đối tác
tư pháp một số định hướng sửa đổi để BLHS tiếp cận sát hơn với các chuẩn
mực quốc tế như hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; tiếp tục
hoàn thiện chính sách hình sự về người chưa thành niên (NCTN); nghiên
cứu khả năng bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân…
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành
chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết thêm, Bộ cũng đề xuất
sửa đổi các quy định của BLHS về biện pháp tịch thu tài sản do phạm tội
mà có cũng như sửa đổi rất nhiều quy định của Phần các tội phạm.
Liên quan đến nhu cầu nội luật hóa các
quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em trong chính sách hình sự
tới đây đối với NCTN, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho rằng:
BLHS cần bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội
theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCTN, đồng thời có cơ chế bảo vệ
tốt hơn cho NCTN là nạn nhân của tội phạm. Không những thế, nên tăng
cường áp dụng các hình phạt không tước tự do như cảnh cáo, cải tạo không
giam giữ… đối với NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít
nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
phạm tội rất nghiêm trọng. Đặc biệt, “nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các
quy định về tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bảo đảm mọi
hành vi xâm hại tình dục đều bị xử lý, mọi đối tượng phạm tội đều bị
trừng trị” – ông Phàn kiến nghị.
Nhiều đối tác tư pháp bày tỏ sự hoan
nghênh định hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, nhất là đối
với những tội phạm liên quan đến kinh tế, tài sản. Tuy nhiên, một trong
những nội dung sửa đổi được các đối tác quan tâm là Việt Nam cần nội
luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, trong đó hình
sự hóa hành vi tham nhũng của pháp nhân và làm giàu bất chính cũng như
hoàn thiện hơn nữa các quy định về phòng chống rửa tiền.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2008 – 2013, các cơ quan điều
tra trong CAND và các cơ quan khác trong CAND được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 340 nghìn vụ án hình sự với
hơn 532 nghìn bị can. Báo cáo của TANDTC cho biết, từ năm 1999 – 2012
TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm hơn 508 nghìn vụ án hình sự với trên 842
nghìn bị cáo. Trong quân đội, theo thống kê của Tòa án quân sự Trung
ương, từ năm 2000 – 2012, ngành Tòa án quân sự xét xử 3.494 vụ/5.521 bị
cáo.