Vì thế, BLHS sửa đổi dự
kiến sẽ quy định về tham gia nhóm tội phạm có tổ chức để tăng tính chất phòng
ngừa, ngăn chặn.
Số lượng ít nhưng hậu
quả khá nghiêm trọng
Trong điều kiện hội nhập
và giao lưu quốc tế như ngày nay, tội phạm quốc tế rất dễ có điều kiện du nhập
vào nước ta và không loại trừ khả năng hình thành những băng nhóm tội phạm,
nhất là các băng nhóm tội phạm mang tính chất xuyên quốc gia như khủng bố, tài
trợ khủng bố, buôn bán người, rửa tiền, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí và một
số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác...
Đánh giá của Cơ quan
Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc cho thấy, tội phạm có tổ chức đang
tạo ra khoản thu nhập bất hợp pháp 1.300 tỷ USD mỗi năm, tương đương thu nhập
của hơn 3 tỷ người nghèo cộng lại. Việt Nam trong quá trình hội nhập không
tránh khỏi ảnh hưởng của thế lực đen này. Tội phạm có tổ chức mang tính quốc tế
đã xuất hiện ở Việt Nam, gây ra 2% tổng số tội phạm cả nước.
Số lượng tội phạm loại
này nhỏ nhưng hậu quả khá nghiêm trọng bởi đã có hơn 100 dự án đầu tư nước
ngoài phải hủy bỏ vì đối tác nước ngoài lợi dụng đầu tư để lừa đảo phía trong
nước. Chẳng hạn, vụ Lý Tuấn Lương - giám đốc một công ty Hồng Kông - lừa đảo
hợp đồng mua bán 5.000 tấn sắt và 3.000 tấn soda; Công ty Tipo của Bỉ lừa mua
6.000 tấn gạo của Công ty Lương thực Việt Nam II…
Tội phạm quốc tế còn
tiến hành rửa tiền ở Việt Nam hoặc nhúng tay vào nhiều vụ buôn lậu. Điển
hình nhất là trường hợp trùm ma túy quốc tế Lê Thị Phương Mai định tẩy sạch 25
triệu USD vào dự án khu nghỉ mát Dốc Lết (Khánh Hòa); đường dây A Quý
(Singapore) nhập khẩu trái phép 830kg vàng và 28.800 đồng hồ Senko…
Tuy nhiên, BLHS năm 1999
chỉ có một điều duy nhất (Điều 79) quy định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân, trong đó đề cập đến việc xử lý hình sự đối với người hoạt động thành
lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Còn nhìn chung theo quy
định của BLHS hiện hành về đồng phạm (Điều 20) và chuẩn bị phạm tội (Điều 17)
thì không thể xử lý hình sự được khi các băng nhóm này chưa có hành vi phạm tội
cụ thể. Do vậy, xét từ góc độ phòng ngừa, ngăn chặn trong những trường hợp này,
chúng ta thường bị động, phải theo dõi, chờ đợi cho đến khi các băng nhóm này
có hành vi phạm tội cụ thể mới xử lý được.
Để đáp ứng yêu cầu chủ
động tấn công, ngăn chặn những băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước ta cũng như
để thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc
gia, thì cần nghiên cứu hình sự hóa hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội
phạm có tổ chức. Hơn nữa, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định
rõ nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc
biệt là tội tham nhũng, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội
đen”.
Thừa nhận tội phạm có tổ
chức là nhạy cảm?
Trên cơ sở đó, Tổ biên
tập Dự án BLHS sửa đổi đề xuất bổ sung vào Phần chung của BLHS một điều mới quy
định về khái niệm nhóm tội phạm có tổ chức và xác định về mặt nguyên tắc, người
thành lập, người tham gia nhóm tội phạm có tổ chức phải chịu trách nhiệm hình
sự, đồng thời bổ sung vào Chương XIX (Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật
tự công cộng) của BLHS một điều mới quy định về tội thành lập hoặc tham gia
nhóm tội phạm có tổ chức.
Bước đầu có thể xác định
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thành lập hoặc tham gia nhóm tội
phạm có tổ chức để thực hiện các tội phạm khủng bố, tài trợ khủng bố, mua bán
người, rửa tiền, sản xuất, mua bán trái phép ma túy, sản xuất, mua bán trái
phép vũ khí, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và một số tội đặc biệt nghiêm trọng
khác.
Trong quá trình thảo
luận, có ý kiến cho rằng không cần bổ sung điều luật mới về nhóm tội phạm có tổ
chức mà sửa đổi, bổ sung Điều 20 BLHS hiện hành theo hướng mở rộng nội hàm của
chế định đồng phạm, phạm tội có tổ chức. Thậm chí, theo một vị lãnh đạo
VKSNDTC, việc quy định về nhóm tội phạm có tổ chức là vấn đề nhạy cảm và ở Việt
Nam, một tổ chức thành lập ra để chuyên phạm tội là không có.
Ngược lại, có ý kiến
phân tích, theo quy định hiện hành, khái niệm “đồng phạm hay phạm tội có tổ
chức” được dùng để chỉ những trường hợp phạm tội cụ thể, còn khái niệm “nhóm
tội phạm có tổ chức” dùng để chỉ một thực thể tồn tại trên thực tế mang tính
nguy hiểm cao cho xã hội mặc dù chưa có hành vi phạm tội cụ thể nào, cho nên
cần phải ghi nhận khái niệm “nhóm tội phạm có tổ chức” để đáp ứng yêu cầu công
tác phòng, chống tội phạm.
Một cán bộ Công an từng
trực tiếp tham gia nhiều chuyên án lớn của lực lượng cảnh sát hình sự thì kiến
nghị xây dựng một luật riêng về phòng chống tội phạm có tổ chức theo Công ước
Palermo và luật một số nước như Nga, Trung Quốc. Theo đó, người tham gia tổ
chức tội phạm, dù không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, vẫn bị xử lý hình
sự về các hành vi như bao che, giúp sức, nâng đỡ cho sự tồn tại của tổ chức, hỗ
trợ tài chính cho tổ chức… Ngoài ra, Nhà nước cũng cần sớm ban hành chính sách
cụ thể về bảo vệ nhân chứng, khuyến khích người dân tố giác tội phạm bằng cả
thưởng vật chất và biểu dương về tinh thần.
|