Giao trách nhiệm xác
minh điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên
Theo quy định của Luật
THADS hiện hành, người được thi hành án có trách nhiệm tự xác minh điều kiện
thi hành án và chịu chi phí khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh. Tuy nhiên trên
thực tế, quy định này gây khó khăn rất nhiều cho người dân vì họ không thể tự
mình xác minh điều kiện thi hành án.
Báo cáo xin ý kiến Ủy
ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật THADS, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Nhiều ý
kiến tán thành với quy định của Dự thảo Luật về việc giao trách nhiệm xác minh
điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên, nhưng vẫn quy định người được thi
hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền xác minh, đồng thời cần có cơ chế xử lý
trường hợp kết quả xác minh của đương sự và cơ quan THADS khác nhau; có ý kiến
đề nghị quy định nghĩa vụ của người phải thi hành án trong việc chứng minh khả
năng thi hành và xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS đối với
việc phân loại án chưa có điều kiện thi hành. Có ý kiến đề nghị giữ quy định
người được thi hành án có trách nhiệm tự xác minh và chịu chi phí khi yêu cầu
Chấp hành viên xác minh như Luật hiện hành.
Theo Thường trực Ủy ban
Tư pháp, việc sửa đổi quy định về xác minh điều kiện thi hành án là nội dung
rất quan trọng nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công
tác THADS hiện nay. Ngoài việc thay đổi về trách nhiệm tổ chức xác minh (Chấp
hành viên), các nội dung khác cần được tiếp thu theo ý kiến Đại biểu Quốc hội
(ĐBQH) gồm: đề cao trách nhiệm của người phải thi hành án, người được thi hành
án và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án;
trường hợp kết quả xác minh của người được thi hành án khác với cơ quan THADS
thì cơ quan THADS phải xác minh lại; để nâng cao chất lượng phân loại án, cần
bổ sung quy định giao Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đối với
trường hợp chưa có điều kiện thi hành án... Nhiều ý kiến của các Ủy viên Thường
vụ Quốc hội đồng tình với quy định này.
Không miễn, giảm với các
tội tham nhũng
Về miễn, giảm các khoản
thu cho ngân sách nhà nước, Dự luật đã đưa ra điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa
vụ và quy định cụ thể một số trường hợp được miễn, giảm. Dù còn nhiều ý kiến
khác nhau nhưng theo Ủy ban Tư pháp, việc xử lý số lượng án tồn đọng nhiều năm
về khoản thu nộp ngân sách nhà nước là một thực tế cần được xem xét giải quyết.
Theo đó, việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản
thu nộp ngân sách nhà nước là cần thiết.
Tuy nhiên, quy định về
miễn, giảm phải bảo đảm các điều kiện phù hợp với chính sách hình sự và các
nguyên tắc quy định của Bộ luật hình sự, Luật Thi hành án hình sự. Do vậy, tiếp
thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý theo hướng: bỏ quy
định xét miễn, giảm đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc
không xác định được tài sản của người phải thi hành án; không áp dụng xét miễn,
giảm thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người bị kết án về
các tội phạm tham nhũng và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tuân thủ
nguyên tắc người bị kết án đã chấp hành được một phần nghĩa vụ thi hành án; xác
định rõ diện đối tượng được miễn thi hành án vì các lý do nhân đạo theo các
điều kiện cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng ủng hộ quy định nói trên: “Cả thuế, tín dụng người ta còn miễn giảm
thì thi hành án cũng có cái rủi ro”. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: “
Tòa án khi xét xử phải chú ý đã tuyên án là khả thi, chứ không án treo ngược
lên đấy hàng chục năm không thi hành được là rất khó khăn”.
Phó Chánh án TANDTC Tống
Anh Hào và nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với quy định miễn, giảm nhưng đề
nghị nên miễn, giảm số tiền với quy mô vừa phải, và người không có điều kiện
thi hành thì mới miễn giảm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy
ban Pháp luật Phan Trung Lý thì không đồng tình vì ông cho rằng ngân sách nhà
nước dù một đồng cũng phải được tôn trọng và bảo vệ. Quy định miễn giảm là
“không công bằng”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà
Hùng Cường đáp thẳng thắn: “Rất nhiều trường hợp người phải thi hành án không
có tài sản thi hành, ví dụ người nghiện hút bị phạt 20 triệu, rồi án phí… Hay
những trường hợp người dân bị thiên tai, lũ lụt cả nước phải cưu mang, mà nói
phải thu mấy đồng án phí là cứng nhắc. Thực tế nhiều trường hợp Chấp hành viên
phải bỏ tiền túi ra nộp thay cho người phải thi hành án. Do vậy, quy định miễn,
giảm nhằm đảm bảo tính nhân đạo.”, Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến của nhiều Ủy
viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát lại các quy định để đảm bảo chặt chẽ.
|