Thông tư bổ sung quy định về cách xác
định thời gian để tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính.
Trường hợp quyết định xử phạt được giao
trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10
ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao nhận quyết định xử phạt
theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trường
hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày
tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày
lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định của
Luật bưu chính.
Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt
không có xác nhận ngày giao nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày
quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định trên, nhưng không thuộc
trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm
thi hành quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể
từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp người nộp phạt chứng minh được ngày
nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì Kho bạc Nhà nước hoặc
ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước uỷ nhiệm thu phạt tính tiền nộp chậm
thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt
mà người nộp phạt đã chứng minh...
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố
tình không nộp tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt, thì các đơn vị Kho
bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước uỷ
nhiệm thu phạt thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt;
đồng thời, vẫn tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt và ghi rõ trên
biên lai thu phạt số tiền chậm nộp tính đến ngày nộp tiền mà cá nhân, tổ chức
bị xử phạt chưa nộp.
Chi phí mua tin trong xử phạt vi
phạm hành chính
Thông tư cũng nêu rõ, mức chi mua tin của
mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện
tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 5.000.000 đồng. Riêng
đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả, mức mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử
phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và
mức tối đa không quá 50.000.000 đồng.
Trường hợp trong quá trình xử phạt vi phạm
hành chính không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật tịch thu do
tiêu hủy tang vật, chuyển tài sản cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng
theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì chi phí mua tin không quá
10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 5.000.000 đồng; đối
với lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng
giả, chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và mức
tối đa không quá 50.000.000 đồng.
Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ
chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp
tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của
người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và Thủ
trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị
trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính
xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng
việc và hiệu quả.
Thông tư 105 có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/10/2014.
|