Tuy nhiên, với sự kiện
Chính phủ Việt Nam chấp nhận một số khuyến nghị liên quan đến chống phân biệt
đối xử trong phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp quốc mới đây thì đây chính là cơ sở xúc tiến xây dựng một đạo luật về
bình đẳng, chống mọi hình thức phân biệt đối xử.
Diễn ra khá phổ biến
và công khai
Một trong những vụ phân
biệt đối xử gây bức xúc dư luận là không tuyển người Thanh Hóa, Nghệ An hoặc Hà
Tĩnh. Nhiều quảng cáo, tờ rơi tuyển dụng ghi rõ ràng: “Không lấy Thanh Hóa,
Nghệ An, Hà Tĩnh”. Gần đây, vấn đề trở nên căng thẳng khi nhiều công ty ở Bình
Dương tuyên bố công khai hoặc ngầm định không tuyển công nhân người Thanh Hóa
và Nghệ An.
Tuy nhiên, không có
người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nào đứng ra khởi kiện các công ty này dù bị
phân biệt đối xử một cách có hệ thống, bởi “muốn báo cơ quan chức năng để chúng
tôi được đối xử công bằng, nhưng chẳng biết báo ai và phải báo như thế nào”.
Việc kỳ thị và phân biệt
đối xử với người có HIV cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều vụ người có HIV
bị đuổi việc khi bị phát hiện đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin
đại chúng. Không những thế, con cái của họ cũng bị kỳ thị và phân biệt đối xử
trong học tập và cuộc sống.
Một trường hợp đau xót
là cháu Lê Đức M. ở Thanh Hóa, con của chị Nguyễn Thị Lệ T. là người có HIV.
Tuy cháu M. âm tính song nhà trường yêu cầu cháu phải đi xét nghiệm HIV mấy lần
với sự chứng kiến của giáo viên, có dấu đỏ của bệnh viện xác nhận mới cho cháu
nhập học. Rồi khi cháu nhập học lại vấp phải sự phản đối của phụ huynh học sinh
khác. Họ không cho con đi học khiến sĩ số của lớp từ 49 xuống còn 14 khiến nhà
trường “buộc” cho M. nghỉ học.
Theo Viện Nghiên cứu xã
hội, kinh tế và môi trường (iSEE), sự phân biệt đối xử với người đồng tính nam,
đồng tính nữ, song tính và chuyển giới (LGBT) rất nghiêm trọng. Nhiều người
chuyển giới bị từ chối tuyển dụng vì thể hiện giới của họ khác với giới tính
ghi trong chứng minh thư, có 13% người chuyển giới bị đuổi việc lúc bị phát
hiện là người chuyển giới.
Một số nghiên cứu khác
của iSEE còn chỉ ra người đồng tính bị phân biệt rất phổ biến trong nhà trường
dẫn đến bỏ học hoặc trong các cơ sở y tế nên họ không dám tiếp cận dịch vụ sức
khỏe tình dục. Những định kiến và kỳ thị dẫn đến tỷ lệ trầm cảm, tự tử trong
cộng đồng LGBT khá cao (tỷ lệ tự tử không thành trong người đồng tính nữ là
17%, gấp 30 lần so với tỷ lệ chung).
Cần xây dựng luật về
chống phân biệt đối xử
Một nguyên nhân của thực
trạng trên được cho là do Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và thủ tục cụ
thể giúp người dân khiếu kiện khi bị phân biệt đối xử. Mặc dù một số luật, nghị
định của Việt Nam đã có vài điều khoản về chống kỳ thị và phân biệt đối xử như
Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2006, Luật Người khuyết tật năm 2010, Nghị định
số 05/2011/NĐ-CP… song các văn bản này chưa quy định rõ cơ chế để một công dân
hoặc tổ chức đại diện cho công dân có thể khiếu kiện vì bị kỳ thị và phân biệt
đối xử.
Tuy nhiên, Hiến pháp năm
2013 có nhiều điều khẳng định bảo vệ quyền bình đẳng và chống phân biệt đối xử.
Theo đó, Hiến pháp mới quy định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”;
“không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hóa, xã hội” tại Điều 16 và nhấn mạnh nhiều khía cạnh cụ thể như Khoản 2 Điều 5
nói về sắc tộc, Khoản 1 Điều 24 về tôn giáo, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 26 về
giới.
Đáng chú ý nữa là ngày
20/6 vừa qua, trong phiên UPR lần thứ 2 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva,
Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận nhiều khuyến nghị của các nước liên quan đến
chống phân biệt đối xử. Vì thế, việc xây dựng Luật Chống phân biệt đối xử không
chỉ giúp Việt Nam hoàn thành cam kết với các quốc gia mà còn là cơ hội để chúng
ta thúc đẩy quyền con người một cách thực chất nhất.
Tại Hội thảo chia sẻ ý
nghĩa các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phiên UPR đối với hoạt động của
các tổ chức phi chính phủ do 4 mạng lưới đồng tổ chức, Viện trưởng iSEE Lê
Quang Bình cũng cho rằng, việc vận động Chính phủ xây dựng Luật Chống phân biệt
đối xử sẽ bảo vệ được quyền bình đẳng cho rất nhiều nhóm yếu thế, thiểu số khác
nhau.
Qua đây, ông Bình mong muốn
các tổ chức phi chính phủ nên tham gia vận động, góp ý cho Luật bằng các hoạt
động như lập liên minh vận động cho Luật Chống phân biệt đối xử, tiến hành các
nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở thực tế cần có cho Luật tiến tới vận động Chính
phủ và Quốc hội bổ sung Luật này vào chương trình xây dựng luật…
|