Sở
Tư pháp Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn
thành phố đề nghị triển khai thực hiện nội dung Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày
20-3-2014 của Cục Hộ tịch,
quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) về việc hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch
cho người dân.
Hiện nay do nhu cầu phát sinh trong cuộc sống, yêu cầu xác nhận sơ yếu lý lịch
của người dân ngày càng lớn. Từ việc xin xác nhận sơ yếu lý lịch để đi học, xin
việc làm đến việc xác nhận để xuất cảnh... Việc xác nhận lý lịch cá nhân thuộc
thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã và trong nhiều trường hợp, sơ yếu lý lịch
chỉ có giá trị khi có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, sơ
yếu lý lịch có chứng thực của UBND cấp xã là rất có giá trị đối với một công
dân. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác nhận nên UBND cấp xã
thực hiện không thống nhất.
Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, có
nơi UBND cấp xã xác nhận đăng ký thường trú, có nơi xác nhận chữ ký của người
khai lý lịch, cũng có nơi chỉ đóng dấu của UBND mà không có nội dung xác nhận…
Đặc biệt Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực còn nhận được phản ánh của báo chí
và một số địa phương về việc một số UBND cấp xã đã xác nhận vào sơ yếu lý lịch
của công dân với nội dung: “Không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước”
do những hộ gia đình này không nộp đầy đủ các khoản thu của địa phương. Nội
dung xác nhận này đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân,
gây bất lợi cho công dân khi sử dụng sơ yếu lý lịch.
Để tháo gỡ những vướng mắc nói trên, nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, trong
thời gian chưa ban hành Luật Chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề
nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ chứng
chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách
nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.
Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân
thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai
trong sơ yếu lý lịch của người đó thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung
về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương
vào sơ yếu lý lịch của công dân.
Như vậy, tới đây, với hướng dẫn nêu trên của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
(Bộ Tư pháp), người dân có thể yên tâm đi chứng thực sơ yếu lý lịch trong thời
gian chờ Luật Chứng thực ra đời. UBND các xã, phường thị trấn cũng có cơ sở để
thống nhất việc chứng thực sơ yếu lý lịch, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho quyền,
lợi ích hợp pháp của người dân.
|