Hoạt động hành chính còn “thiếu sự
minh bạch”
Theo Bộ Tư pháp, trong hoạt động lập
pháp, lập quy cũng như hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan hành chính
còn có những bất cập trong việc phân công, phân nhiệm, ủy quyền ban hành văn
bản và ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ pháp luật quy định, cụ thể là việc ủy
quyền thiếu nguyên tắc, tuỳ tiện dẫn đến tình trạng không rõ giới hạn của ủy
quyền, không rõ trách nhiệm của từng cấp, cơ quan, chủ thể.
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật vẫn chưa có một văn bản nào quy định về nguyên tắc ủy quyền, điều kiện ủy
quyền, chủ thể được ủy quyền, chủ thể được thực hiện quyền, trách nhiệm của
người được ủy quyền và người ủy quyền, hậu quả pháp lý của việc ủy quyền…
Có một thực tế là nhiều nhiệm vụ
được giao cho một cơ quan, một chủ thể nhất định, nhưng cơ quan này lại ủy
quyền cho cơ quan tiếp theo, chủ thể được ủy quyền tiếp tục ủy quyền lại cho
chủ thể khác… dẫn đến hoạt động hành chính rườm rà, trái pháp luật, thiếu sự
minh bạch. Việc xác định trách nhiệm theo đó cũng khó thực hiện; tính kỷ cương
của hoạt động hành chính, của pháp luật vì thế cũng bị ảnh hưởng không
nhỏ.
Quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ
Tư pháp cho biết, đa số các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết phải quy định
về chế định ủy quyền tại Dự thảo Luật này, tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 luồng ý
kiến khác nhau về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, người
ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp, người được ủy
quyền không được ủy quyền lại và trong mọi trường hợp thì người ủy quyền chịu
trách nhiệm trước pháp luật về quyết định hành chính do người được ủy quyền ban
hành, trừ trường hợp người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền.
Việc quy định như vậy là nhằm tránh
việc ủy quyền cho nhiều cấp trung gian khác nhau dẫn đến làm giảm hiệu lực,
hiệu quả của hoạt động ủy quyền. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định rõ người
được ủy quyền không được ủy quyền lại để tránh việc ủy quyền lại, ủy quyền tùy
tiện như hiện nay.
Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho
rằng Luật cần quy định về chế định ủy quyền theo hướng phân biệt ủy quyền về
thẩm quyền và ủy quyền ký để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đối
với hai trường hợp ủy quyền này.
Trong đó, việc ủy quyền thẩm quyền
là ủy quyền cho cấp dưới, cấp phó về một mảng công việc nhất định có tính chất
thường xuyên, ổn định và bằng văn bản quy định, phân công rõ ràng (việc ủy
quyền này đương nhiên dẫn đến việc ủy quyền ban hành quyết định hành chính).
Còn việc ủy quyền ký là ủy quyền cho cấp phó hoặc cho cấp dưới trực tiếp về
việc ký ban hành quyết định hành chính theo vụ việc và không thường xuyên.
Ủy quyền không dẫn đến việc thoái
thác trách nhiệm
Bộ Tư pháp cho rằng, việc xác định
trách nhiệm pháp lý thuộc về người ủy quyền là vì pháp luật đã quy định trao
cho ai thẩm quyền thì người đó phải có trách nhiệm về việc thực hiện thẩm
quyền/nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Trường hợp không đủ khả năng thực hiện
(do vắng mặt vì lý do khách quan hoặc do điều kiện, khả năng thực tế không thể
đảm nhận được nhiệm vụ) thì mới ủy quyền.
Tuy nhiên, việc ủy quyền không dẫn
đến việc thoái thác trách nhiệm của người ủy quyền. Trong trường hợp có thiệt
hại thì đối tượng thi hành quyết định hành chính hoặc người có quyền, lợi ích
liên quan có thể yêu cầu người ủy quyền phải bồi thường thiệt hại.
Trong thực tế, khi có thiệt hại xảy
ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân không xác định được đối tượng bị khiếu nại, khiếu
kiện và có trách nhiệm bồi thường, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của
người ủy quyền và người được ủy quyền.
Vì vậy, cần xác định trách nhiệm của
người ủy quyền trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
về quyết định hành chính do người được ủy quyền ban hành, trừ trường hợp người
được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền; đồng thời người được ủy quyền phải
chịu trách nhiệm trước người ủy quyền và trước pháp luật về hành vi của mình
trong trường hợp trái pháp luật.
Hơn nữa, xác định trách nhiệm của
người ủy quyền, người được ủy quyền như vậy cũng bảo đảm thống nhất với quy
định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: “Trường hợp có sự ủy quyền
hoặc ủy thác thực hiện công vụ thì cơ quan ủy quyền hoặc cơ quan ủy thác là cơ
quan có trách nhiệm bồi thường”. Do đó, Dự thảo được thể hiện theo quan điểm
thứ nhất và đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
|