Hoang mang vì những tên
“độc, lạ”…
Điều 26 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS)
quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định
theo họ, tên khai sinh của người đó”, “Việc sử dụng bí danh, bút danh không
được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Điều 27 Bộ luật này cũng quy định cá
nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi
họ, tên trong trường hợp việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến
tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Người bị
lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình, người được xác định lại giới
tính… cũng có quyền thay đổi họ, tên. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không
làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Tuy nhiên, các quy định của pháp
luật hiện nay đều không quy định cụ thể về việc đặt tên của một người, chẳng hạn
nếu người đó đặt tên quá dài, quá xấu, tên nửa tiếng Việt, nửa tiếng nước
ngoài…. thì có bị cấm hay không. Luật cũng không quy định một người đặt tên cho
con theo tên các lãnh tụ, các anh hùng dân tộc, tên thần thánh… thì có bị cấm
hay không.
Vì thế, những cái tên ‘độc, lạ”,
“hướng ngoại” đến mức “kinh dị”, không phù hợp với văn hóa Việt Nam hay “đặt
tên xấu cho dễ nuôi” như Rô Nan Đô, Lò Vi Sóng, Võ Ê Vo, Đái Thị Bướm, Quách
Quan Tài, Trần Như Nhộng, Đinh Bằng Thép, Hồ Hận Tình Đời, Phan Bá Đạo, Đồng Hồ
Thụy Sỹ, Đinh San U, Cao Nô Ki A, Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì hoặc dài “dường như
vô tận” Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Lương Tâm Nhân… xuất hiện mà cán bộ hộ tịch
chỉ biết chấp nhận mà đăng ký hộ tịch cho công dân.
Thế nhưng đến nay chưa ai đưa ra
được một định nghĩa chính xác tên thuần Việt là tên phải đáp ứng những
tiêu chí như thế nào. Mặc dù pháp luật cho phép được thay đổi, cải chính hộ
tịch nếu tên ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó, song với tâm lý “ngại” thủ
tục hành chính, nhiều người mang theo những cái tên “không giống ai” suốt đời.
Hạn chế trong 25 chữ cái có “phạm”
quyền nhân thân?
Qui định trong Dự thảo BLDS (sửa
đổi) về việc “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch
thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt
Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ
đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” đã được nhiều ý
kiến đồng tình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
cho biết, thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc
đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần
phong mỹ tục của Việt Nam, ví dụ quá dài, không thuần Việt mà cơ quan đăng ký
hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối. Nên việc đặt họ, tên và chữ
đệm tuy là một quyền nhân thân của cá nhân nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra
những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.
“Khống chế số chữ cái khi đặt tên là rất cần thiết, bởi nếu đặt tên quá dài thì
các giấy tờ như giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ BHXH… thậm chí phải viết
tắt mới đủ chỗ. Điều này không chỉ gây rắc rối cho công dân mà còn khiến công
tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp” – Bộ trưởng khẳng định.
Đồng thời, cần qui định cụ thể để
đồng bộ với quy định có liên quan của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, theo
đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam (Khoản 4 Điều
19) và người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam
(Khoản 4 Điều 23). Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng “quyền đối
với họ, tên và chữ đệm là một trong những quyền nhân thân của cá nhân nên Dự
thảo Bộ luật không nên quy định quá nhiều, hạn chế việc thực hiện quyền này”.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ về giới
hạn số chữ cái trong tên công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng
Quốc Hiển cho rằng, quy định tên đầy đủ 25 chữ cái là hợp lý để không khó khăn,
phức tạp trong việc làm hồ sơ hay giao dịch.
Tuy nhiên, nhìn nhận “quyền đối với
họ, tên là quyền nhân thân của một cá nhân mà Hiến pháp và BLDS không nên hạn
chế”, một số luật sư cùng cho rằng, chỉ cần tên đó đọc được, phát âm được và
đầy đủ thành phần họ, tên, còn độ dài hay kiểu tên là quyền của người đặt tên,
người được đặt tên quyết định. Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các
vấn đề xã hội cũng lo ngại qui định như Dự thảo sẽ “vượt qua Hiến pháp” và “tên
dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cộng đồng, đến đạo đức xã hội đâu. Nếu lo ngại
tên dài phức tạp thì nên khuyến khích người dân vì đặt tên dài thì chính con
của họ sẽ bị ảnh hưởng chứ không nên áp đặt” - bà Mai lập luận./.
|