Tòa bị làm khó vì đương sự chống đối
Theo TANDTC, việc Tòa án tiến hành các
hoạt động tố tụng để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền có được
bảo đảm về thời hạn, chất lượng, hiệu quả hay không cũng phụ thuộc vào
sự hợp tác của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trên thực tế không phải lúc nào các
hoạt động tố tụng của Tòa án cũng được thuận lợi, được sự hợp tác tích
cực từ đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức mà nhiều trường hợp Tòa án
gặp phải sự cản trở, chống đối, không hợp tác như triệu tập nhưng đương
sự không đến Tòa án, yêu cầu cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ
nhưng cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ không cung cấp hoặc cung
cấp không đầy đủ, kịp thời; cản trở việc xác minh, thu thập chứng cứ,
gây rối trật tự tại Tòa án, tại phiên tòa... làm ảnh hưởng đến thời hạn,
chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc và uy tín, sự tôn nghiêm
của Tòa án.
Thực tiễn xét xử của Tòa án trong thời
gian qua cũng cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa
án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa,
gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của Tòa án. Mặc dù
pháp luật có quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố
tụng của Tòa án, xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, tuy nhiên,
các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn tản mạn,
thiếu thống nhất.
Do đó, việc ban hành một văn bản quy
phạm pháp luật để xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án
là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành
vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, nâng cao ý thức chấp hành pháp
luật và tạo điều kiện để Tòa án giải quyết các vụ việc nhanh chóng,
hiệu quả, đúng pháp luật.
Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực: có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Dự thảo Pháp lệnh gồm 8 chương, 58
điều. Trong đó quy định các hành vi như gây mất trật tự tại phiên tòa;
tự ý phát ngôn tại phiên tòa khi chưa được chủ toạ phiên tòa đồng ý; gây
mất trật tự ngoài phòng xử án nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của
Tòa án; mang vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ, các chất khác
gây nguy hại đến sức khỏe của con người vào phòng xử án; mặc quần áo quá
ngắn, hở hang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; ghi âm,
ghi hình tại phiên toà mà không được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi
giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án… sẽ bị phạt
tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng theo
quy định hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở về hành vi đó mà còn vi phạm
trong cùng một phiên tòa.
Đáng chú ý, Dự thảo Pháp lệnh quy
định: Cảnh cáo đối với hành vi không có mặt theo triệu tập hợp lệ của
Tòa án lần thứ nhất mà không có lý do chính đáng; phạt tiền từ 200.000
đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt theo triệu tập hợp
lệ của Tòa án lần thứ hai mà không có lý do chính đáng.
Tuy nhiên, thẩm tra Dự án Pháp lệnh,
Ủy ban Tư pháp cho rằng một số vấn đề lớn của Dự thảo Pháp lệnh chưa
được làm rõ; chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống
pháp luật; nhiều quy định của Dự thảo Pháp lệnh không phù hợp, trái các
quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Bộ luật
Tố tụng Dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí,
Luật Khiếu nại…
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến
đồng tình cao với thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, do đó, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm
pháp luật cũng như chỉnh sửa, bổ sung các nội dung cho phù hợp với các
luật hiện hành và Hiến pháp 2013 để trình Thường vụ vào dịp khác.
|