Tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ban Điều hành chương trình “Những linh
hồn phiêu bạt” của cựu binh Úc cùng Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ
giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ ở Việt Nam (MARIN) đã tổ chức trao trả
13 kỷ vật cho thân nhân của 12 liệt sĩ ở 2 tỉnh Bình Định và Quảng
Ngãi. Trong đó có 12 bức thư và một bức họa chân dung mẹ Việt Nam anh
hùng.
Vỡ òa cảm xúc
Nhận được bức thư do chính tay mình viết cho người em là liệt sĩ Võ
Thự, bà Võ Thị Chẩn (SN 1941, ngụ xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh
Bình Định) ngã quỵ. Bà viết bức thư ấy 45 năm rồi, không ngờ bây giờ nó
lại trở về với bà. Kỷ niệm một thời thơ dại sống lại qua những dòng chữ
trong thư.
“Chắc nó chưa đọc được bức thư này. Nó hy sinh lúc nào gia đình không
biết và đến giờ vẫn chưa tìm được mộ” - bà Chẩn sụt sùi rồi cho biết
Thự hy sinh chẳng để lại bất kỳ di vật nào để thờ. Bà dự định sẽ mang
bức thư này về để thờ vì gia đình của em chẳng còn ai. Cựu binh người Úc Derrill De Heer trao bức họa mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Diễn cho ông Vũ Năng Luyện
Xúc động nhất là khi cựu binh Derrill De Heer (từng tham gia chiến
tranh Việt Nam trong vai trò kỹ thuật viên quân sự cho quân đội Mỹ) nâng
niu bức họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Diễn (tỉnh Quảng
Ngãi) để trả cho người con trai của mẹ là Vũ Năng Luyện (ngụ TP Đà
Nẵng). Bức họa được tìm thấy bởi ông G. Dennis, một cố vấn quân sự người
Úc tham gia trong Sư đoàn 1 của Mỹ tại Việt Nam trước năm 1975. “Theo
Dennis, lúc đó ông đến ngôi làng vừa bị tấn công ở tỉnh Quảng Nam. Trong
làng không một bóng người. Khi ông kiểm tra ngôi nhà đang cháy thì phát
hiện một khung ảnh vỡ, bên trong là bức họa chân dung. Nghĩ rằng đây là
một bức họa chân dung gia truyền nên ông mang về định tìm người trả
lại” - Derrill De Heer kể.
Nhìn bức họa, ông Luyện nhận ra ngay đó là chân dung của mẹ do chính
người em trai của ông là Lê Đình Sung vẽ trong những ngày tham gia chiến
trường miền Nam. “Nhận lại bức chân dung, tôi cảm thấy như gặp lại mẹ
và em trai. Cuộc hội ngộ mang dấu ấn tâm linh này có lẽ sẽ không xảy ra
nếu bức họa không được Dennis cất giữ với lương tâm trong sáng và cao
cả”- ông Luyện xúc động.
Chất chứa tình yêu thương
TS Bop Hall, đại diện chương trình “Những linh hồn phiêu bạt” của cựu
binh Úc, cho biết ông đã đọc được 12 bức thư trao trả lần này và nhận
ra bên trong những bức thư ấy vừa chất chứa tình yêu thương gia đình vừa
thể hiện tình yêu nước cháy bỏng của người dân Việt Nam.
“Những bức thư của người mẹ gửi cho con căn dặn giữ gìn sức khỏe và
gắng hoàn thành nhiệm vụ. Những bức thư của những người con nơi chiến
trường gửi cho mẹ kể về chiến công của mình. Tình yêu gia đình của những
người lính Việt Nam lồng trong tình yêu nước” - TS Bop Hall nói và còn
cho biết ông rất hiểu nỗi đau chiến tranh, những mất mát của các gia
đình Việt Nam và muốn góp một phần nhỏ để xoa dịu nỗi đau ấy nên 3 năm
qua, ông đã tổ chức vận động để các cựu binh từng tham chiến tại Việt
Nam mang đến những kỷ vật dù nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đối với các gia đình
Việt Nam.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng đây là những
kỷ vật vô giá, có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ thanh niên Việt Nam.
“Chúng tôi tự hào vì những bức thư, những bức ký họa của đồng đội thể
hiện ý chí mãnh liệt trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc; thể
hiện hoài bão, lý tưởng và tình cảm đối với quê hương, đất nước” - ông
Lộc nhìn nhận. Cung cấp nơi chôn cất chiến sĩ Việt Nam
“Những linh hồn phiêu bạt” là chương trình do cựu
binh Úc từng tham chiến tại Việt Nam thành lập năm 2010 nhằm trao trả
cho Chính phủ và các gia đình liệt sĩ Việt Nam những tài liệu, kỷ vật cá
nhân được các cựu binh Úc và New Zealand thu thập trong chiến tranh tại
Việt Nam, đồng thời cung cấp địa chỉ xác thực về địa điểm chôn cất
chiến sĩ Việt Nam trong các cuộc đụng độ. Trong 3 năm qua, chương trình
này đã cung cấp địa điểm chôn cất của gần 3.800 chiến sĩ Việt Nam và
trực tiếp tìm thấy hơn 500 hài cốt chiến sĩ Việt Nam.
|