Về vấn đề nêu trên, Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc
Công ty Luật Bảo Ngọc (HN) tư vấn như sau:
Trước đây pháp luật chưa có văn bản quy định về chế
độ thai sản dành cho người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi. Tuy
nhiên, kể từ ngày 1/1/2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu
lực, các vấn đề liên quan đến chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ và
người lao động nhận con nuôi sẽ được điều chỉnh bởi văn bản này.
Điều 31 Luật Bảo hiểm
xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
“1. Người lao động được
hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang
thai;
b) Lao động nữ sinh
con;
c) Lao động nữ mang
thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận
nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng
tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
2. Người lao động quy định
tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng
trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi…”.
Chế độ
thai sản của người mẹ nhận nuôi con nuôi
Điều 36 Luật Bảo hiểm
xã hội quy định: “Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được
nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp
cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản
quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng
chế độ”.
Mức hưởng chế độ thai sản
một tháng đối với người mẹ nhận nuôi con nuôi được tính bằng 100% mức bình quân
tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế
độ thai sản.
Chế độ
thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị
định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo
hiểm xã hội: “Người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ
ốm đau và thai sản từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời
điểm nhận con thì được hưởng các chế độ sau:
a) Trợ cấp một lần cho
mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con
trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này;
Trường hợp lao động nữ
mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này thì người
chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau, thai sản của người mẹ
nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại
tháng sinh cho mỗi con.
b) Được nghỉ việc hưởng
chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp
sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang
thai hộ được nghỉ thêm một tháng;
Trường hợp người mẹ nhờ
mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản
theo quy định…”.
Điều 38 Luật Bảo hiểm
xã hội còn quy định: “Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con
nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức
lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi
con nuôi”.
Như vậy, khi nhờ mang
thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi bạn cũng sẽ được hưởng chế độ
thai sản theo các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vừa trích dẫn ở trên,
với điều kiện bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời
gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi hoặc 6 tháng trở lên trong thời gian
12 tháng tính đến thời điểm nhận con đối với trường hợp nhờ mang thai hộ.
./.
|