Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật
Bảo Ngọc (HN) tư vấn như sau:
Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“1. Hợp đồng dân sự có
thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp
luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất
định.
2. Trong trường hợp
pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc
chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu
trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác”.
Về hợp đồng vay tài sản,
Điều 471 BLDS quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên,
theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải
hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ
phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Theo quy định trên,
hình thức của hợp đồng dân sự có thể thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành
vi nhất định.
Đối chiếu với trường hợp
của bạn, dù hợp đồng vay tiền giữa bạn và người vay tiền không được lập thành
văn bản nhưng vẫn có thể xác định giữa các bên đã xác lập một hợp đồng vay tiền
bằng lời nói. Do đó, nếu có người làm chứng cho giao dịch này hoặc có các chứng
cứ khác chứng minh thì giao dịch dân sự giữa bạn và người vay tiền của bạn vẫn
được pháp luật thừa nhận.
Nghĩa
vụ trả nợ khi người vay tài sản đã chết:
Theo Điều 637 quy định
vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
“1. Những người hưởng
thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người
chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp di
sản chưa được chia, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di
sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.
3. Trong trường hợp di
sản đã được chia, mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để
lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp
có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp Nhà
nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa
vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.
Theo quy định nêu trên,
khi người vay tiền bạn đã chết thì nghĩa vụ trả nợ cho bạn sẽ do những người thừa
kế của người này thực hiện, bao gồm: người thừa kế theo di chúc (nếu người vay
tiền bạn để lại di chúc); người thừa kế theo pháp luật.
Do đó, để đòi lại số tiền
đã cho vay, bạn có thể yêu cầu những người thừa kế của người vay tiền đã chết
(ví dụ như: chồng, các con, cha mẹ đẻ…) thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn. Tuy
nhiên, những người này chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng,
trừ trường hợp có thoả thuận khác (khoản 1 điều 637 Bộ luật Dân sự 2005).
Ngoài ra, nếu những người
thừa kế của người bạn đã chết không thực hiện nghĩa vụ của họ đối với bạn mà
pháp luật đã quy định, trong thời hạn ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế, bạn có
thể khởi kiện để yêu cầu những người thừa kế này thực hiện nghĩa vụ về tài sản
của người chết để lại (Điều 645).
Cần lưu ý, do không có
hợp đồng vay tiền nên khi yêu cầu khởi kiện bạn phải có nghĩa vụ cung cấp các
tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch vay tiền
trên thực tế, các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai người
(như bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền, nội dung
email, người làm chứng xác nhận có việc vay tiền giữa 2 bên; chứng từ chuyển tiền
qua ngân hàng…).
./.
|