Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả
lời:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 21
Nghị định số 05/2015/NĐ-CPđược hướng dẫn tại khoản 1, Điều 3
Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH thì, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận
với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm: Mức lương
theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do
người sử dụng lao động xây dựng và phụ cấp lương (nếu có).
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính
chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được
tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh
của thang lương, bảng lương, cụ thể:
- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc có yếu tố nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, như công việc đòi hỏi thời
gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến
các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao
tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động.
- Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công việc thực hiện ở vùng xa
xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh
hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải thường xuyên thay
đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của
người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.
- Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động, như khuyến khích người lao động
đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp
dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích người lao động
làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến
độ công việc được giao.
Chế độ phụ cấp lương
Cụ thể vấn đề bà Thảo hỏi, theo Mục 7, Bảng XXII Nghệ An, Phụ lục mức phụ
cấp khu vực của các địa phương, đơn vị ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/1/2005 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc thì, xã Nghĩa Xuân,
huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là địa bàn mà Nhà nước quy định cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh
nghiệp Nhà nước đang làm việc tại xã này được hưởng phụ cấp khu vực hệ số 0,3.
Tuy nhiên, loại hình Công ty nơi bà Thảo đang làm việc không thuộc đối
tượng áp dụng Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT.
Khi công ty xây dựng thang lương, bảng
lương (theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động và Điều 7, khoản 2 Điều
10 Nghị định số49/2013/NĐ-CP) mà chưa tính đến hoặc tính chưa đầy
đủ các yếu tố về điều kiện sinh hoạt và mức độ thu hút lao động trong mức lương
thì công ty cần quy định thành chế độ phụ cấp lương.
Phụ cấp khu vực nhằm bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, nơi làm việc ở
vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn, có khí hậu khắc nghiệt… và các yếu tố
khác làm cho điều kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực
hiện công việc.
Phụ cấp thu hút nhằm để bù đắp các yếu tố để thu hút lao động khuyến khích
người lao động đến làm việc trên địa bàn có địa lý tự nhiên không thuận lợi,
vùng đặc biệt khó khăn.
Các mức phụ cấp lương được thiết kế theo tỷ lệ % hoặc mức tiền do công ty
quyết định cho phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động và điều kiện thực tế
của công ty.
Nếu mức lương theo công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương
do công ty xây dựng đã tính đầy đủ các yếu tố về điều kiện lao động, điều kiện
sinh hoạt, mức độ thu hút lao động, thì công ty không cần thiết phải quy định
chế độ phụ cấp khu vực và phụ cấp thu hút.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
|