Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri các tỉnh, thành phố như sau:
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chỉ quy định những người có
từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, khi nghỉ hưu có mức
lương hưu thấp hơn mức lương hưu cơ sở thì lương hưu được điều chỉnh cho bằng
mức lương cơ sở; không quy định những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện,
người có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc kể cả người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được điều
chỉnh mức lương hưu bằng mức lương cơ sở.
Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo
hiểm xã hội năm 2006: “Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số
giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế”. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực
hiện 8 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo đó
lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 178% so với mức lương
hưu của tháng 12/2007. Như vậy, qua các lần điều chỉnh lương hưu của Chính phủ
đã từng bước góp phần cải thiện đời sống của người nghỉ hưu nói chung.
Để xem xét đối với những người có mức lương hưu thấp, ngày 29/7/2015 Văn
phòng Chính phủ đã có văn bản số 5946/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng
Chính phủ về lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993, theo đó: Giao
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên
quan nghiên cứu và kiến nghị phương án xử lý đối với mức lương hưu của người có
mức lương hưu thấp (cả trước và sau tháng 4/1993) trong Đề án cải cách chính
sách bảo hiểm xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Do vậy, Bộ
Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo Chính phủ về lương hưu của giáo viên
mầm non, trong sự tương quan với lương hưu của các đối tượng nghỉ hưu khác.
|