Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Luật
Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về việc đăng ký thường
trú cho trẻ em như sau:
Điều 13 Luật Cư trú quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên: “Nơi
cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi
cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha
hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên
có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý
hoặc pháp luật có quy định”.
Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP
ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định về nơi cư trú của công dân như sau: “Nơi
cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được
đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy
định về thời hạn đăng ký thường trú cho trẻ em như sau: “Trong thời hạn 60
ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia
đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ
tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó”.
Điều 6 Thông tư 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an quy định
về hồ sơ đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ
khẩu nhân khẩu; Giấy khai sinh; Sổ hộ khẩu.
Như vậy, đối với trường hợp con bà Dung, để được đăng ký thường trú theo
mẹ tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội thì phải có đầy đủ hồ
sơ đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày
30/11/2010 của Bộ Công an và phải thường xuyên sinh sống tại địa chỉ xin đăng
ký thường trú.
|