Văn bản “chết yểu” vì được lấy ý
kiến kiểu… cho có
Mỗi năm, Bộ Tư pháp đều phải “tuýt
còi” đối với rất nhiều văn bản dưới luật “có dấu hiệu trái pháp luật”.
Điều đáng nói đây lại chính là những văn bản để hướng dẫn, qui định chi tiết
thi hành các định hướng trong các đạo luật, trực tiếp tác động đến quyền, lợi
ích của tổ chức, cá nhân.
Một phần nguyên nhân quan trọng theo
nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý là do quá trình soạn thảo của không ít
văn bản chỉ khép kín giữa các cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành. Bên cạnh
đó, do quy trình soạn thảo văn bản liên tịch chưa được quy định rõ ràng nên sự
phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng văn bản liên tịch
chưa tốt, “bên nọ “nhìn” bên kia” hoặc không bên nào đoái hoài khiến cho việc
ban hành các thông tư liên tịch thường chậm trễ hoặc chỉ chú trọng đến “lợi ích
ngành” khiến các qui định khó đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo
“quên” lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản hoặc công khai việc lấy ý kiến
kiểu cho có, mà theo nhận xét của ông Đặng Hoàng Giang, Trung tâm nghiên cứu
phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) là “lấy ý kiến một chiều”. Nghĩa là, cơ
quan soạn thảo “tung” dự thảo văn bản, ai góp ý gì thì tùy, ý kiến nào thuận
với cơ quan soạn thảo thì được lưu ý, ý kiến trái chiều sẽ bị lờ đi. Kết quả là
những qui định kiểu như cộng điểm cho Bà mẹ Việt nam Anh hùng khi thi đại học,
phải bán thịt trong vòng 8 tiếng, đảm bảo nhiệt độ trong nhà hàng bia dưới 30
độ… đã được đưa ra, làm “nổi sóng” dư luận.
Những văn bản pháp luật (VBPL) bị
“trảm” hoặc lập tức phải sửa đổi ngay khi chưa ráo mực vì bị dư luận phản ứng
về những qui định chỉ thể hiện ý chí chủ quan của người soạn thảo mà quên đi
tính khả thi khi áp vào thực tiễn chỉ vì những người soạn thảo chưa “lắng nghe
tiếng nói của cuộc sống” khi soạn thảo các văn bản này.
Thậm chí trên thực tế, nhiều cơ quan
soạn thảo đã lấy lý do vì văn bản được soạn thảo theo quy trình rút gọn để bỏ
qua bước lấy ý kiến nhân dân hoặc để thời hạn lấy ý kiến rất ngắn, không kịp
góp ý, bất chấp đó có phải là văn bản thực sự cấp bách hay không.
Thực tế đã chứng minh, thiếu quan
tâm đầy đủ đến việc tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình xây dựng
văn bản đã dẫn đến những hệ lụy không đáng có trong việc thi hành VBPL như vậy.
“Nếu có sự tham gia của người dân thì không có những văn bản bị phản đối, sửa
đổi, thậm chí phải bãi bỏ vì thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực
tiễn” – ông Đặng Hoàng Giang nhận xét.
Ý kiến góp ý “lọt thỏm” rồi mất dạng
Sự tham gia của người dân vào quá
trình xây dựng VBPL được thể hiện cụ thể qua việc góp ý vào dự thảo VBPL.
Đây cũng là yêu cầu trong qui trình xây dựng văn bản để đảm bảo tính khả thi.
Song việc lấy ý kiến đang chưa phát huy được tối đa trí tuệ tập thể vào dự thảo
văn bản. Rất phổ biến tình trạng dự thảo văn bản được “treo” trên cổng thông
tin để lấy ý kiến góp ý lại không phải là bản được cập nhật trong quá trình lấy
ý kiến, chỉnh lý.
Người dân và doanh nghiệp vì thiếu
thông tin nên ý kiến có thể không đầy đủ hoặc không phản ánh đúng quan điểm
thật sự của họ khi góp ý vào dự thảo VBPL. Nên nhiều ý kiến tâm huyết lại không
phù hợp với dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Và khi văn bản được
ban hành thì người dân và doanh nghiệp trong nhiều trường hợp đã bị bất ngờ khi
văn bản được ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, chứa đựng những
quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó.
Cùng với đó, chất lượng thảo luận ở
tổ và tại hội trường của Quốc hội đối với một số dự án luật, nghị quyết chưa
cao, nhiều dự án chưa nhận được ý kiến đa số nên khi thi hành va vấp rất nhiều
với thực tiễn, gây khó khăn cho cơ quan thi hành và nhanh chóng phải sửa đổi.
Vì vậy, Dự thảo Luật Ban hành VBPL
đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, định hướng nâng cao tính minh bạch của
việc xây dựng VBPL, tăng cường cơ sở khoa học cho việc xây dựng VBPL và quan
trọng nhất là “đưa cuộc sống vào chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống” với
việc tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức vào quá trình ban hành
các VBPL.
Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật qui
định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBPL,
dự thảo VBPL và thi hành VBPL”. Dự thảo Luật cũng qui định việc các cơ quan chủ
trì soạn thảo các dự thảo trong quá trình soạn thảo phải lấy ý kiến đối với dự
thảo của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ
chức liên quan, tổng hợp, tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến góp ý. Hồ sơ
dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, Dự thảo
Luật qui định rõ phải có bản tổng hợp và tiếp thu giải trình ý kiến góp ý; bản
sao ý kiến góp ý (đối với hồ sơ trình thẩm tra).
Đại diện một số tổ chức xã hội cho
rằng, với những qui định của Dự thảo Luật mới đề cập được đến “lớp áo ngoài”
của việc người dân tham gia quá trình xây dựng VBPL chứ chưa chạm được đến các
vấn đề đang ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tổ chức lấy ý kiến người dân, tổ
chức trong hoạt động này. Vì vấn đề quan tâm lớn nhất là yêu cầu “lấy ý
kiến rộng rãi của các cá nhân và tổ chức” trong quá trình xây dựng VBPL này sẽ
được thực thi như thế nào để các ý kiến góp ý không bị “lọt thỏm” rồi mất dạng
vì việc tiếp thu chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ
chức lấy ý kiến.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm – nguyên Vụ
trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, thiếu cơ chế bắt buộc
phản hồi ý kiến của người dân góp ý vào dự thảo VBPL đã không khuyến khích được
người dân, tổ chức xã hội tích cực góp ý vào các dự thảo. Hơn nữa, nếu thiếu
qui định cụ thể về việc phản hồi, tiếp thu các nội dung góp ý sẽ khiến
việc góp ý không có “điểm đến”, khiến người dân cảm thấy ý kiến của mình
không được tôn trọng và không khuyến khích được người dân tham gia vào quá
trình xây dựng VBPL. Đồng thời, không có những chế tài cần thiết đối với người
có trách nhiệm khi vi phạm qui trình, thời hạn lấy ý kiến thì khó đảm bảo việc
lấy ý kiến không bị diễn ra một cách hình thức như đối với một số văn bản thời
gian qua.
Do đó, ông Phạm Bích San – chuyên
gia tư vấn của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng cường toàn diện của Cơ quan
Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG) khuyến nghị xác lập kênh phản hồi sự tham
gia của người dân vào quá trình xây dựng VBPL, từ việc góp ý kiến đến việc giám
sát hoạt động xây dựng VBPL (thông qua hoạt động cụ thể của các đại biểu dân
cử).
|