Chiều
13/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trả lời chất vấn tại
phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình 135 hỗ
trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và một số vấn đề xã hội của các
xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, an toàn khu và vùng đồng bào dân tộc
thiểu số.
Các đại biểu Quốc hội đặt ra những băn
khoăn về việc bố trí vốn cho Chương trình 135 còn chậm, làm ảnh hưởng tới việc
nâng cao đời sống của bà con cũng như kết quả hoàn thành chương trình trong
giai đoạn 2011- 2015. Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ vùng miền núi, dân
tộc còn chồng chéo dẫn đến phân tán nguồn lực và hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng
Seo Phử cho biết nguồn vốn giao cho Chương trình 135 chưa đáp ứng được yêu cầu
của Chính phủ. Nhiều hạng mục công trình phục vụ phát triển hạ tầng, sản xuất
bị cắt giảm do những khó khăn chung của nền kinh tế và ngân sách Nhà nước trong
những năm trước đây.
Ngoài ra, việc giao đất sản xuất cho nhân
dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng nhiều địa phương không bố trí
được đất để giao. Theo ông Giàng Seo Phử cần có cách làm khác, chẳng hạn chỉ
cần giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND địa phương phê duyệt nguồn vốn, tránh
nhiều cấp phê duyệt để tập trung nguồn lực làm dứt điểm các công trình thiết
yếu trên địa bàn, tránh chồng chéo, không hiệu quả như hiện nay.
Giải trình thêm trước Quốc hội, Thứ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà
nước với đồng bào dân tộc vùng cao là rất lớn.
Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đủ, chưa toàn
diện có nguyên nhân từ cân đối nguồn lực. Giai đoạn 2011- 2015, tổng nguồn vốn
bố trí cho Chương trình 135 là 15.131 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là
trên 15.000 tỷ đồng. Tính cả viện trợ của nước ngoài thì nguồn vốn này là
16.721 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn trái phiếu Chính phủ để kiên cố hóa trường lớp
học và nhà công vụ cũng phải dành thêm vài nghìn tỷ đồng nữa.
Từ năm 2013, bên cạnh Chương trình 135,
các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được nhận thêm các hỗ trợ khác
như hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a mà 70% dân số là thuộc vùng dân tộc
thiểu số, chưa kể vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Do vậy, bình
quân mỗi xã nhận được 4 tỷ đồng/năm từ các chương trình.
Trước đây, có quy định 1 xã vùng đồng bào
dân tộc khó khăn nhận 1 tỷ đồng để phát triển hạ tầng và 300 triệu đồng để phát
triển sản xuất. Từ năm 2014- 2015 là 1,5 tỷ đồng để phát triển hạ tầng và 450
triệu đồng phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương
cho biết, khi xây dựng dự toán 2014-2015 thì dự toán thu khó khăn và nguồn vốn
dành cho đầu tư giảm hoặc chỉ tăng với mức độ thấp. Vì vậy, Thủ tướng có Chỉ
thị tạm thời không ban hành thêm chính sách mới. Do đó, các bộ, ngành vẫn giữ
các chính sách như từ 2013 trở về trước. Đối với việc giao chậm vốn có nguyên
nhân là năm 2011 khi Chương trình 135 giai đoạn 3 chưa được phê duyệt nên đầu
năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có căn cứ giao kế hoạch.
Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Bá
Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) về việc di dân tự do đang ảnh hưởng tới đời sống đồng
bào các dân tộc Tây Nguyên, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết phải giải quyết
vấn đề từ gốc, nghĩa là đầu tư mạnh cho các tỉnh có người dân di cư để giữ
người dân ở lại nguyên quán.
Đối với việc giải quyết những khó khăn
trong phòng, chống ma túy ở vùng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhấn
mạnh tinh thần là vừa hỗ trợ sản xuất, hạ tầng cho đồng bào, vừa kiên quyết
phòng chống ma túy.
|