Chú trọng cơ chế, chính sách cho “3
chung”
Từ năm 2012, công tác đào tạo nguồn
Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư được giao cho các cơ sở đào tạo của TANDTC,
VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đang bộc lộ nhiều hạn
chế.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã đề xuất và
được giao chủ trì soạn thảo Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp
nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán,
Kiểm sát viên, Luật sư, hướng đến xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên,
Luật sư thực sự có chất lượng cao, đủ sức, đủ tài gánh vác trọng trách lớn lao
của những người thực thi và bảo vệ công lý, duy trì và phát triển nền tư pháp
vững mạnh, trong sạch.
Với mục tiêu trên, Phó Giám đốc phụ
trách Học viện Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, chính sách của Nhà nước về đào
tạo là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Pháp lệnh.
Theo đó, dự kiến quy định một số
chính sách như Nhà nước đảm bảo các nguồn lực và khuyến khích các tổ chức, cá
nhân hỗ trợ cho đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư phù
hợp với mục tiêu đào tạo; thực hiện chủ trương luân chuyển công chức, chuyển
đổi chức danh nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; có chế độ thu
hút và đãi ngộ thích hợp để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
tham gia đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư; thực hiện
chế độ biệt phái Thẩm phán, Kiểm sát viên, giảng viên cơ hữu…
Đào tạo theo “đơn đặt hàng” của Nhà
nước
Tại cuộc họp báo cáo với Bộ trưởng
Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về Dự thảo Pháp lệnh được tổ chức vào hôm qua – 13/3,
ông Hà cho biết thêm: Ngoài một số ý kiến cho rằng không nên quy định những
chính sách riêng cho hoạt động đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư thì đa
số ý kiến tán thành cần quy định chính sách khuyến khích riêng áp dụng đối với
giảng viên, học viên và cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp này bởi hoạt động
đào tạo chung có nhiều đặc thù so với các loại hình đào tạo khác.
Một trong số những chính sách đó là
việc Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo chung để thu hút được những người giỏi
tham gia các chương trình đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp
cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp.
TS Lưu Bình Nhưỡng (Văn phòng Ban
Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) bày tỏ sự đồng tình, chính sách đặc thù
cho mô hình đào tạo chung là hết sức cần thiết. Theo ông Nhưỡng, việc đào tạo
nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư gần như là đào tạo theo “đơn đặt hàng”
của Nhà nước nên cần được ưu tiên nhưng cùng với đó cũng phải xác định trách
nhiệm của học viên, cam kết của học viên khi tham gia đào tạo mà nếu vi phạm
thì phải bồi thường.
Trước ý kiến của một đại biểu đến từ
Đại học Kiểm sát về việc không quy định chế độ biệt phái, ông Nhưỡng lại cho
rằng, Dự thảo Pháp lệnh không quy định chế độ biệt phái là không được, còn cán
bộ, công chức nào từ chối không đi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về
cán bộ, công chức.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng
Cường cũng nhấn mạnh, muốn có hiền tài cho quốc gia thì phải có chính sách thu
hút. Đối với học viên, nên đảm bảo 100% chi phí ăn ở, học hành, không phân biệt
học viên được Tòa án, Viện kiểm sát cử đi với học viên từ xã hội vào. Hơn nữa,
phải quan tâm đến chính sách với giảng viên, đặc biệt là giảng viên kiêm chức
được giữ nguyên các chế độ đang hưởng.
|