Tính đến ngày 31/7/2015,
các văn phòng Thừa phát lại (TPL) đã tống đạt được 819.044 văn bản, đây là hoạt
động chiếm tỷ trọng lớn (doanh thu gần 60 tỷ đồng, chiếm gần 51% tổng doanh
thu) trong số các loại việc mà TPL đã làm. Trong đó, số liệu về tống đạt văn
bản của các Văn phòng TPL tại TP.HCM kể từ khi bắt đầu thí điểm đến nay cho
thấy số lượng việc cũng như doanh thu từ tống đạt có sự gia tăng đáng kể theo
từng năm.
Cụ thể, từ năm 2011 đến
nay, tống đạt tăng trung bình khoảng gần 20.000 vụ việc/năm, đặc biệt trong năm
2014, tống đạt tăng hơn 88.000 vụ việc so với năm 2013. Chỉ trong vòng 6 tháng
đầu năm 2015, các Văn phòng TPL đã thực hiện được 100.731 vụ việc tống đạt, gấp
đôi so với thời kỳ đầu thực hiện tống đạt (năm 2011).
Các Văn phòng tại các
tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm, kết quả về tống đạt văn bản cũng trong xu
hướng tương tự. Cụ thể, tính đến tháng 12/2014, số văn bản tống đạt là 25.787
văn bản, thu được 1 tỷ 134 triệu 037 nghìn đồng; sau 7 tháng, số văn bản tống
đạt đã tăng lên 253.125 văn bản, thu được 18 tỷ 710 triệu 803 ngàn đồng.
Đối với các địa phương
mở rộng thí điểm, trong giai đoạn đầu do một số Văn phòng chưa ổn định tổ chức
cũng như còn lúng túng trong việc phân chia địa hạt nên việc chuyển giao văn bản
của Tòa án, Cơ quan Thi hành án (THA) còn chưa kịp thời, vì vậy số lượng văn
bản TPL tống đạt chưa nhiều.
Tuy nhiên, sau thời gian
ổn định về tổ chức và trên cơ sở chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn của TANDTC, Bộ
Tư pháp, việc chuyển giao văn bản cho các Văn phòng TPL tống đạt của Tòa án, Cơ
quan THA tại địa phương thí điểm đã thực hiện tốt; số lượng văn bản giao TPL
tống đạt ngày càng tăng, những thiếu sót, hạn chế trong hoạt động tống đạt được
khắc phục kịp thời.
Nhìn chung, sự gia tăng
về số lượng cũng như doanh thu tống đạt theo thời gian cho thấy khả năng của
TPL trong việc thực hiện tống đạt, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đặt ra
trong công tác tống đạt; năng lực, hiệu quả hoạt động của các Thừa phát lại
không ngừng phát triển, năng động và dần từng bước đáp ứng yêu cầu của hoạt
động chuyên môn nghiệp vụ, được Tòa án và Cơ quan THA ngày càng tin tưởng và
tăng cường chuyển giao.
Với khối lượng tống đạt
trung bình hơn 100.000 văn bản/năm ở cả 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm
(riêng TP.HCM, trong năm 2014 là 181.453 văn bản và trong năm 2015 có thể đạt
tới hơn 200.000 văn bản), hoạt động tống đạt của TPL đã tạo điều kiện cho Tòa
án và Cơ quan THA tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực để tập trung vào
công tác chuyên môn chính của mình là THA và xét xử.
Hiện nay, pháp luật chưa
quy định các Văn phòng TPL được tống đạt văn bản của một số cơ quan tố tụng và
cơ quan nhà nước khác như: Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Thanh tra... Do đó,
khi thực hiện chính thức, nhiều địa phương đề nghị pháp luật mở rộng phạm vi,
đối tượng các cơ quan được phép ủy quyền cho TPL tống đạt văn bản sẽ giảm đáng
kể khối lượng công việc nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc của
các cơ quan trên, góp phần không nhỏ vào sự giảm tải biên chế, giảm chi ngân sách
nhà nước và tinh giản bộ máy nhà nước.
Thừa phát lại Hà Nội tống đạt gần 9 ngàn văn bản
Từ khi thực hiện tháng
8/2014 đến tháng 6/2015, các cơ quan THA đã chuyển cho 8 Văn phòng TPL trên địa
bàn tống đạt gần 9 ngàn văn bản, xác minh 50 việc, thụ lý 15 việc. Về cơ bản
các Văn phòng TPL đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tống đạt theo quy định
của pháp luật về THA dân sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số Chi cục THA quận, huyện
thực hiện chưa nghiêm trong công tác triển khai; chậm ký hợp đồng dịch vụ tống
đạt văn bản; chậm chuyển giao văn bản, chuyển giao không hết... Đối với Văn
phòng TPL, một số trường hợp Thư ký đi tống đạt còn gặp nhiều lúng túng, xử lý
không đúng quy định...
|