LLTP có ý nghĩa quan trọng trong đời sống công dân
LLTP có ý nghĩa rất quan trọng trong đời
sống công dân, trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình
sự, đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân tư pháp của cá nhân cũng như
tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập
cộng đồng.
Ở hầu hết các nước, hệ thống quản lý
LLTP đã được thiết lập, phát triển từ hàng chục đến hàng trăm năm nay,
có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, bảo đảm thực
hiện các quyền dân chủ của công dân; là phương tiện để thực hiện xóa án
tích trong trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa
án tích. LLTP cũng chính là công cụ hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng
trong việc xác định các tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm khi
giải quyết các vụ việc cụ thể.
Chế định LLTP ở Việt Nam đã có lịch sử
hơn 100 năm nay, nhưng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Sau Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta vẫn duy trì chế độ LLTP do Bộ Tư pháp
và Tòa án đảm nhiệm. Ngày 2/11/1955, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban
hành Thông tư liên bộ số 1909-VHC về việc theo dõi LLTP và căn cước của
bị can và những người bị tình nghi. Theo đó, nhiệm vụ quản lý LLTP được
chuyển giao, tập trung vào một đầu mối do Bộ Công an đảm nhiệm.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ
Nghị định số 38/CP ngày 4/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đến nay, Chính phủ đã giao nhiệm vụ
quản lý LLTP cho Bộ Tư pháp.
Luật LLTP được Quốc hội khóa XII thông
qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2010 đã đánh dấu bước
phát triển vượt bậc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế về
LLTP tại Việt Nam.
Sự ra đời của Luật LLTP và tiếp sau là
các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này đã tạo hành
lang pháp lý quan trọng, đầy đủ để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP từng
bước vững chắc theo đúng nguyên tắc của hoạt đọng LLTP, đáp ứng yêu cầu
thực tiễn trước mắt và lâu dài; gắn việc quản lý cơ sở dữ liệu LLTP với
cấp Phiếu LLTP trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp
mạnh mẽ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc
tế ngày càng sâu rộng.
Từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác LLTP
“Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp
đến năm 2020, tầm nhìn 2030” nhận định, mặc dù còn có những hạn chế, bất
cập nhất định, tuy nhiên, qua hơn 2 năm thực hiện Luật LLTP, công tác
LLTP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trên cơ sở của Luật LLTP và Nghị định số
111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật LLTP, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm LLTP
quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây
dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP tương xứng với vị trí, nhiệm vụ của
công tác LLTP trong tình hình mới.
Hiện nay, 5 Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp
5 thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập. Tại các tỉnh, đa
phần các Sở Tư pháp đã kiện toàn bộ phận LLTP tại Phòng Hành chính Tư
pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý LLTP.
Luật LLTP đã tạo cơ sở pháp lý để xây
dựng cơ sở dữ liệu LLTP riêng theo đúng nguyên tắc của hoạt động này,
theo hướng chuyên nghiệp và từng bước hiện đại, gắn việc xây dựng cơ sở
dữ liệu với cấp Phiếu LLTP.
Trước khi Luật LLTP được ban hành, do
chưa có cơ sở dữ liệu LLTP riêng nên các Sở Tư pháp phải tra cứu thông
tin từ hệ thống tàng thư căn cước can phạm của cơ quan Công an và từ hồ
sơ án lưu của Tòa án để làm căn cứ cấp Phiếu LLTP cho công dân. Hiện
nay, thực hiện quy định của Luật LLTP, cơ sở dữ liệu LLTP đang từng bước
được xây dựng tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp trên toàn
quốc.
Công tác cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu của
cá nhân, cơ quan, tổ chức đang từng bước được cải cách thủ tục, đơn
giản hóa và thuận tiện hơn. Công tác cấp Phiếu LLTP có ý nghĩa là một
hoạt động phục vụ của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân
thân tư pháp của cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý trở trong và
nước ngoài. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về ý
nghĩa, giá trị của Phiếu LLTP ngày càng được nâng lên. Phiếu LLTP được
coi là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh cá nhân có hay không có án
tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, đặc biệt là trong tiến trình
hội nhập khu vực và quốc tế. Hiện nay, nhiều văn bản của Nhà nước ta quy
định về việc phải có Phiếu LLTP khi tham gia vào các quan hệ pháp lý và
Phiếu LLTP trở thành một trong những giấy tờ bắt buộc phải có của cá
nhân.
Công cụ pháp lý quan trọng hỗ trợ cho hoạt động tố tụng hình sự
Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp,
xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, “Chiến lược phát triển lý lịch
tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030” xác định hoạt động LLTP ở nước ta
cần được phát triển theo hướng phát huy vai trò là công cụ pháp lý quan
trọng hỗ trợ cho hoạt động tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm tốt hơn nữa
quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược xác
định phát triển LLTP theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bám sát yêu cầu
xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phù hợp với xu hướng phát
triển chung của thế giới, trên cơ sở thiết lập, tăng cường cơ chế phối
hợp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP
và ccs cơ quan có liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin,
hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP quốc gia tập trung, thống nhất.
Tổ chức, quản lý cơ quan quản lý LLTP
hợp lý, khoa học, hiện đại; gắn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu
LLTP với cấp Phiếu LLTP, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá
nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, phát huy vị trí, vai trò của LLTP
theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng hình sự.
Cụ thể, giai đoạn 2013 – 2015 sẽ thiết
lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan Tòa án, Kiểm sát,
Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức khác và cơ
quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung
cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và cấp
Phiếu LLTP.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP
tại Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp theo quy định tại Luật LLTP và
các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (mô hình hai cấp).
Đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu LLTP để phục vụ yêu cầu
cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Triển khai xây dựng và đưa
cơ sở dữ liệu LLTP đi vào hoạt động. Năm 2013 đảm bảo trên 30% thông
tin LLTP chính thức được trao đổi giữa Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư
pháp được thực hiện dưới dạng điện tử.
Từ năm 2014 – 2015, bảo đảm trên 50%
thông tin LLTP chính thức trao đổi giữa Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư
pháp được thực hiện dưới dạng điện tử. Năm 2013, bảo đảm bố trí đủ
biên chế làm công tác LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia, 50 – 60% Sở Tư
pháp được bố trí đủ biên chế theo Quyết định 2369 của Thủ tướng Chính
phủ; bảo đảm từ năm 2014 – 2015, 100% địa phương được bố trí đủ biên chế
làm công tác LLTP...
Giai đoạn 2016 – 2020, Chiến lược xác
định tập trung nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng,
khai thác cơ sở dữ liệu LLTP, đặc biệt là dữ liệu LLTP điện tử. Đến năm
2016, bảo đảm 90 – 95% thông tin LLTP chính thức trao đổi giữa Trung
tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử. Đồng
thời, triển khai hình thức cấp phiếu LLTP qua mạng – cấp độ 4 của dịch
vụ hành chính công trực tuyến.
Về định hướng đến năm 2030, Chiến lược
cho biết sẽ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP theo mô hình 1 cấp. Bảo
đảm thuận lợi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ
quan, tổ chức theo hướng cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể yêu cầu Cơ
quan quản lý LLTP thuộc Bộ Tư pháp hoặc các Sở Tư pháp giải quyết thủ
tục cấp Phiếu LLTP không phụ thuộc vào nơi cư trú của người được cấp
Phiếu.
Lúc đó, Cơ quản lý LLTP thuộc Bộ Tư pháp
và các Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu LLTP trên cơ sở tra cứu thông tin
từ dữ liệu LLTP quốc gia qua hệ thống mạng trực tuyến. Bảo đảm thực
hiện giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua mạng trực tuyến.
|