Đề cao chủ
quyền Nhân dân
“Tất cả quyền lực nhà
nước thuộc về Nhân dân” đã được trang trọng ghi nhận tại điều 2 Hiến pháp năm
2013. Đây là sự tiếp tục quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về việc đề
cao chủ quyền Nhân dân, khẳng định ở “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
do Nhân dân làm chủ” (Điều 2). Tuy nhiên, so với các Hiến pháp trước đây, Hiến
pháp sửa đổi có những nội dung mới thể hiện nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về
vấn đề “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Trước hết, “Tất cả quyền
lực nhà nước thuộc về Nhân dân” quy định ở điều 2 Hiến pháp sửa đổi là một quy
định nền tảng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích và sức mạnh của quyền lực
nhà nước ở nước ta là ở Nhân dân. Nguyên lý đó được quy định trong tất cả các
Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta. Tuy nhiên, điểm mới so với các bản Hiến
pháp trước đây, Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện nhất quán và xuyên suốt
trong toàn bộ nội dung của Hiến pháp tư tưởng “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc
về Nhân dân”. Bởi Hiến pháp sửa đổi quan niệm Nhân dân là chủ thể tối cao của
quyền lực nhà nước. Thông qua Hiến pháp, Nhân dân giao quyền, Nhân dân ủy quyền
quyền lực nhà nước của mình cho Nhà nước.
Vì thế, không chỉ điều 2
quy định nội dung nói trên mà còn rất nhiều điều thể hiện sâu sắc và nhất quán
tư tưởng đề cao chủ quyền Nhân dân. Ngay từ Lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi
đã long trọng tuyên bố Nhân dân Việt Nam là chủ thể “xây dựng, thi hành và bảo
vệ Hiến pháp này”, đến việc bổ sung đầy đủ các hình thức Nhân dân sử dụng quyền
lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng
nhân dân như quy định của các Hiến pháp trước đây mà còn bằng các hình thức dân
chủ trực tiếp (Điều 6), bằng biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý
dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp (Điều 29 và Điều 120). Đảng Cộng
sản Việt Nam không những là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn
phải “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của
Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
Xuất phát từ bản chất
của Nhà nước ta “là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân” (Khoản
1 Điều 2), Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực
nhà nước ở nước ta. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, không chỉ được phân
công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp và tư pháp (khoản 3 Điều 2). Đây là một trong những nguyên tắc nền
tảng về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Bởi Nhân dân là chủ thể tối cao
của quyền lực nhà nước, nên Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là một tất
yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
(sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng nhấn mạnh kiểm soát quyền lực nhà nước là một
nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Để kiểm soát được quyền
lực nhà nước đòi hỏi phải hình thành cơ chế bao gồm kiểm soát quyền lực nhà
nước ở bên trong bộ máy nhà nước, giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp
và trong nội bộ mỗi quyền; và kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài bao gồm
kiểm soát của Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng.
Với nhận thức đó, kiểm
soát quyền lực nhà nước được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các chương của
Hiến pháp sửa đổi; đặc biệt là trong các chương về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án
và Viện kiểm sát. Trong các chương này của Hiến pháp sửa đổi đã có những
điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn chức năng; nhiệm vụ quyền hạn của từng
cơ quan. Đó là cơ sở để hình thành cơ chế Nhân dân đánh giá, kiểm soát quyền
lực nhà nước mà mình đã trao cho mỗi quyền. Đây là cơ sở Hiến định để sau này
các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước sẽ cụ thể hóa cơ chế đó.
Rõ hơn trách nhiệm của
Nhà nước
Đáng chú ý, lần đầu tiên
trong lịch sử lập hiến nước ta, thuật ngữ quyền con người được sử dụng trong
Hiến pháp năm 1992. Đó là bước phát triển về quan niệm và nhận thức lý luận.
Tuy nhiên, cách thể hiện các quyền con người và quyền cơ bản của công dân trong
Hiến pháp năm 1992 chưa thể hiện đầy đủ và sâu sắc quan niệm về chủ quyền Nhân
dân. Với triết lý Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, quyền con người,
quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp sửa đổi trang trọng tuyên bố sau
Chương I chế độ chính trị.
Cùng với điều đó, Hiến
pháp sửa đổi đã có những nhận thức mới về đề cao nhân tố con người, coi con
người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Lần đầu
tiên trong Hiến pháp nước ta khẳng định các nguyên tắc: “Ở nước Cộng hòa XHCN
Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế,
văn hóa – xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và
pháp luật”. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy
định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc
gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14). Đây
là những nguyên tắc căn bản đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ
với quyền con người, quyền công dân, hạn chế sự tùy tiện cắt xén từ phía
Nhà nước; đồng thời là cơ sở hiến định để mọi người và công dân bảo vệ và thực
hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Không có tư duy đề
cao chủ quyền Nhân dân, không thể có các quy định nền tảng đó của Hiến pháp sửa
đổi.
Với nhận thức Nhân dân
là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc
về Nhân dân, Hiến pháp sửa đổi đã thừa nhận Nhân dân là chủ thể tối cao của
quyền lực nhà nước, chủ thể phân công quyền lực nhà nước. Phương tiện để Nhân
dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình, đó là thực hành quyền lập
hiến. Bằng quyền lập hiến của mình, Nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho Quốc
hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho Tòa án. Theo đó, có thể
thấy rằng quyền lập hiến là quyền lực tối cao so với quyền lập pháp, quyền hành
pháp và quyền tư pháp. Ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều khởi xướng
từ quyền lập hiến.
Bên cạnh đó, để phản ảnh
một giai đoạn mới của việc đề cao chủ quyền Nhân dân, Hiến pháp sửa đổi đã thể
hiện một cách sâu sắc sự hòa hợp dân tộc, sự hài hòa về lợi ích và sự đồng
thuận xã hội nhằm tạo nên sức mạnh để phát triển, nhất là trong bối cảnh xung
đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế đang có xu hướng gia tăng ở nhiều
nước và khu vực trên thế giới.
Trong mối quan hệ với
việc bảo vệ quyền con người, Hiến pháp năm 2013 có một nhận thức mới trong việc
quy định vai trò và nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân. Đối với Tòa
án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Khoản 3 Điều 102 đã đưa lên hàng đầu vai
trò và nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, sau đó
mới quy định: “Bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đối với Viện kiểm sát nhân dân, nhấn mạnh
vai trò và nhiệm vụ hàng đầu là: “Bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người,
quyền công dân”, sau đó mới quy định: “Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…” (Khoản
3 Điều 107). So sánh với quy định của Hiến pháp năm 1992, có thể thấy Hiến pháp
năm 2013 đã có một sự đổi mới về nhận thức; sự tồn tại của hai thiết chế này,
trước hết và chủ yếu là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là tư
duy về một nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì
dân.
(Tít bài do Tòa soạn
đặt)
GS.TS. Trần Ngọc Đường -
nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
|