Án oan khiến người dân mất lòng tin /
Ngày 27/10, thảo luận về Luật tổ
chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho
rằng, sửa quy định về thẩm quyền của toà án trong quá trình điều tra, xét xử vụ
án hình sự là cần thiết để tránh xét xử trên “mâm cỗ đã dọn sẵn” của cơ quan
điều tra. Tuy nhiên ông rất băn khoăn quy định về “quyền trả hồ sơ” của tòa
đang được thực hiện.
“Tôi đề nghị không nên tiếp tục áp
dụng, thay vào đó nếu thấy không đủ yếu tố buộc tội toà án có quyền bác quyết
định khởi tố (giai đoạn điều tra), bác cáo trạng (giai đoạn xét xử) và tuyên vô
tội”, đại biểu Nghĩa nói.
Ông cho rằng, việc cho phép trả hồ
sơ, yêu cầu VKS điều tra bổ sung như hiện nay sẽ khiến vụ án kéo dài, gây tâm
lý lo lắng cho bị can, bị cáo.
Là thẩm phán nhiều năm kinh nghiệm,
đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho hay, theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành,
"tòa án triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa để điều tra công
khai". Tuy nhiên việc này khó thực hiện do hầu hết những người này không
muốn liên lụy đến vụ án. Nguyên nhân có thể do sợ bị trả thù, thậm chí bị mua
chuộc, nể nang vì là họ hàng, bạn bè... Do đó, nhiều vấn đề tòa án không thể
điều tra làm rõ ở phiên xử. "Việc xem xét thẩm định tại chỗ không thể thực
hiện được", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, điều vướng nữa là
trong quá trình thẩm vấn tại tòa nếu HĐXX thấy cần điều tra bổ sung vấn đề nào
đó nhưng VKS không chấp nhận thì tòa án vẫn phải tiến hành xét xử theo nội dung
cũ.
Điều này càng khó hơn ở một số vụ án
có người kêu oan, thông tin chủ yếu vẫn phải dựa vào hồ sơ, mà chính tòa án
cũng thấy chưa rõ đúng hay sai nên sẽ dẫn đến việc tòa án có thể tuyên bị cáo
không phạm tội. Và điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại, khi đó
nếu họ kháng cáo có thể sẽ dẫn đến vụ án bị hủy để điều tra lại. Từ đây, thời
gian tố tụng của vụ án kéo dài, gây tốn kém rất nhiều.
Theo ông Sơn, nếu thẩm phán yêu cầu
khởi tố thêm người phạm tội, hủy bỏ quyết định đình chỉ nhưng VKS không chấp
nhận sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Theo luật, nếu vấn đề nào đó trong vụ án mà
cấp sơ thẩm không giải quyết thì cấp phúc thẩm cũng có thể không được giải
quyết mà phải chờ đến cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại cũng
khiến vụ án bị kéo dài.
Vì thế ông Sơn đề xuất, sau khi nhận
lại hồ sơ do VKS chuyển sang để xét xử, tòa án có quyền phối hợp với Viện để
chủ động xác minh và có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can... "Có như vậy
mới đảm bảo việc kiểm soát quyền lực và bảo vệ được công lý", ông Sơn nói.
Cũng trong ngày 27/10, trước khi thảo luận Luật tổ chức Tòa án
nhân dân (sửa đổi), đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) xin phép nói tiếp
ý kiến được nêu trước đó hai ngày do chưa hài lòng với phần trả lời của Viện
trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình về vụ án Lê Bá Mai - "kỳ án vườn
mít" xảy ra tại Bình Phước. Cụ thể, chiều 25/10, trả lời chất vấn của ông
Hùng, Viện trưởng Bình cho rằng "không có đủ điều kiện để tổ chức tái
thẩm, giám đốc thẩm" và "từ khi nhận án, Lê Bá Mai cũng không có đơn
thư kêu oan".
Theo ông Hùng, sau gần một tuần sau khi bị tuyên án, ngày
5/9/2013, Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan. Bố mẹ bị án cũng liên tục gửi đơn tới
nhiều cơ quan nhà nước. Các luật sư bào chữa cho Mai cũng có đơn đề nghị xét xử
giám đốc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.
"Tôi nghĩ nếu ông Bình chưa nhận được đơn kêu oan của Lê
Bá Mai thông qua trại giam thì khi nhận đơn của bố mẹ Lê Bá Mai cũng phải có
trách nhiệm trả lời", đại biểu Hùng nói.
Theo ông Hùng, hiện có nhân chứng đồng ý đứng ra minh oan cho
Lê Bá Mai là bà Nguyễn Thị Hảo, người từng khai báo với cán bộ điều tra khi vụ
án còn đang trong giai đoạn điều tra. Nhưng suốt thời gian qua, bà Hảo không
được cơ quan pháp luật mời làm nhân chứng khi xét xử vụ án.
"Sau khi viết đơn sẵn sàng ra làm chứng, bà Hảo bị nhiều
cuộc điện thoại nặc danh đe doạ. Với thông tin trên, tôi cho rằng đã đủ điều
kiện để tiến hành tái thẩm, giám đốc thẩm nhằm tránh oan sai đáng tiếc cho Lê
Bá Mai", đại biểu Hùng nói.
Phân vân quyền im lặng của nghi can |