Hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa tham
nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam” đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp
phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 28-10.
Thiệt hại lớn, thu hồi nhỏ
Theo ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành
chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại
Việt Nam, nước ta có khá nhiều cơ quan phụ trách về phòng chống tham nhũng như
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương, Cục
Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát Kinh tế (C48 - Bộ Công
an), Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1B -
VKSND Tối cao), các cơ quan đặt trong cơ quan Đảng, Chính phủ... Tuy nhiên,
thách thức hiện nay nằm ở hoạt động điều phối, phân định trách nhiệm của các cơ
quan này.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết theo
báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vừa trình trước
Quốc hội, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới 6.740 tỉ đồng nhưng mới
chỉ thu hồi khoảng 1.500 tỉ đồng. Tài sản bị đánh cắp do tham nhũng đang gây
thất thoát nghiêm trọng ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công
và quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp.
Theo ông Trương Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ 1B - VKSND Tối cao,
trong các vụ án tham nhũng đã giải quyết, số tiền và tài sản bị thiệt hại, thất
thoát hoặc bị chiếm đoạt rất lớn song tài sản mà các cơ quan chức năng thu hồi
được chiếm tỉ lệ hạn chế. Số tiền, tài sản tòa án tuyên phạt các bị cáo phải
bồi thường cũng rất lớn nhưng thực tế thu hồi không nhiều và phải thực hiện
trong nhiều năm. Ông Mạnh dẫn chứng từ ngày 1-10-2010 tới 30-4-2013, tổng giá
trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác
định khoảng 17.000 tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng.
“Công tác điều tra, làm rõ việc sử dụng, cất giấu tài sản tham
nhũng hoặc che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản tham nhũng còn hạn chế.
Nhiều trường hợp tài sản tham nhũng được xác định đã sử dụng vào mục đích kinh
doanh, đánh bạc, chi tiêu hết, không thu hồi được. Một số trường hợp người phạm
tội cho rằng dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn phải chịu mức
án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham
nhũng để hưởng lợi” - ông Mạnh nêu thực tế.
Ông Jairo Acuna Alfaro cho rằng các cơ quan chống tham nhũng của
Việt Nam gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình điều tra các vụ tham nhũng.
Hơn nữa, cơ quan điều tra thiếu quyền lực và năng lực cần thiết để thực hiện
hiệu quả các chức năng điều tra chống tham nhũng.
“Nếu sử dụng ngôn ngữ đời thường thì hiện nay, pháp luật phòng
chống tham nhũng có thể ví như “hổ không răng”, “hổ giấy” do thiếu nội lực đủ
mạnh để thực sự mang tính răn đe và có hiệu quả trong thực tiễn” - ông Jairo
Acuna Alfaro ví von.
Nhiều người dân không dám tố giác
Dẫn một thông tin khảo sát cho thấy 89% người dân nói rằng không
tố giác hành vi vòi vĩnh hối lộ và chỉ 8% sẵn sàng tố giác, ông Jairo Acuna
Alfaro nhận định nhiều khả năng người dân chưa tin vào các cơ quan phòng chống
tham nhũng. Khi hỏi tại sao lại không tố giác, trên 50% người cho rằng tố giác
không mang lại lợi ích gì. Nguyên nhân tiếp theo là vì sợ bị trù úm, trả thù
hoặc thủ tục tố cáo, tố giác quá rườm rà.
Không đồng tình, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống
tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, nhận định không có căn cứ nào xác thực để nói
trên 50% người cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì. Người dân gửi tố cáo
tới rất nhiều cơ quan khác nhau và dường như chính sách khuyến khích, khen
thưởng chưa thỏa đáng khiến họ ngại tố cáo hơn.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ủng hộ
khảo sát của ông Jairo Acuna Alfaro. Vị đại diện này cho biết một cuộc khảo sát
của WB phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành năm 2012 cũng đã đưa ra
thông tin cho thấy hơn 50% người dân sợ bị trả thù nên không tố cáo chống tham
nhũng. Nguyên nhân tiếp theo là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được như
mong muốn, thiếu khách quan.
“Chuyện khuyến khích khiếu nại, tố cáo qua phần thưởng được người
dân lựa chọn ít hơn cả. Điều này cho thấy yếu tố tiền thưởng không quyết định
tới việc người dân có khiếu nại, tố cáo không” - đại diện WB nói. Vị này cho
biết rất đồng tình với nhận định của ông Trần Đức Lượng về việc Việt Nam có rất
nhiều chính sách, “thế giới có gì, Việt Nam có đó” nhưng thực hiện vẫn yếu kém.
Các thông điệp được nhắc đi nhắc lại qua rất nhiều hội nghị đối thoại, hội nghị
bàn tròn nhưng ít thay đổi.
Đề xuất tăng phạt tiền, giảm phạt tù
Ông Trương Minh Mạnh cho
rằng khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự, cần tính toán theo hướng tăng mức hình phạt
tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối
tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả nhằm
rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tiết kiệm chi phí tố tụng, tăng khả năng
thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời, không xử lý hình sự, trả lại tài sản cho
người đưa hối lộ nếu họ đã tố giác tội phạm về tham nhũng để khuyến khích phát
hiện tội phạm. Ngoài ra, phải sửa đổi quy định về trách nhiệm của viện kiểm sát
trong việc giải quyết |