Báo cáo thuyết minh Dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư
pháp cho biết: Thực tiễn tổ chức hoạt động THADS cho thấy còn có sự xác định
chưa đúng, chưa thống nhất về bản chất của THADS; Toà án chưa có trách nhiệm
đến cùng với bản án, quyết định mà mình đã ban hành; đã xảy ra tình trạng “cắt
khúc”, tách rời các giai đoạn tố tụng, làm hạn chế mối quan hệ giữa Toà án với
cơ quan THADS, giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS.
Do sự “cắt khúc” giữa
hai giai đoạn xét xử và thi hành án nên sau khi ban hành bản án, quyết định,
gần như Tòa án không theo dõi kết quả thi hành bản án, quyết định trên thực tế;
một số bản án, quyết định được ban hành chậm được chuyển giao cho cơ quan THADS;
nội dung chưa đảm bảo khả thi, rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau; khi cơ
quan THADS đề nghị giải thích thì không nhận được hoặc chậm nhận được trả lời;
một số trường hợp giải thích chưa rõ để thi hành; trường hợp kiến nghị xem xét
lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cũng không nhận được trả lời;
khi xét xử lại đã không xử lý toàn diện kết quả thi hành án trước đó.
Mặt khác, với việc triển
khai thí điểm và mở rộng hoạt động của Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố,
cũng cần thiết phải tạo điều kiện cho Thừa phát lại thí điểm tham gia hoạt động
trực tiếp tổ chức thi hành án. Vì vậy, lần sửa đổi này cần thiết phải đổi mới
cơ chế, gắn kết chặt chẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong hoạt
động THADS theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo cải cách
tư pháp Trung ương.
Với các lý do này, Dự
thảo Luật THADS sửa đổi đã tạo ra sự thay đổi khá căn bản so với trình tự, thủ
tục THADS hiện hành, theo đó thay vì thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS đã
quy định thành thẩm quyền của Chánh án Tòa án trong việc ra quyết định khởi
động hoạt động tổ chức thi hành án.
Thảo luận về Dự án Luật
THADS sửa đổi tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, nhiều Đại biểu Quốc hội
(ĐB) nhất trí cao với quy định giao Tòa án nhân dân ra quyết định THADS. ĐB Lê
Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, THADS là giai đoạn cuối cùng của tố tụng dân sự,
nhưng do Luật THADS chưa quy định cụ thể nên tòa án chưa có trách nhiệm đến
cùng đối với bản án, quyết định mà mình đã ban hành. Nhiều nội dung bản án tuyên
không rõ ràng, cụ thể dẫn đến có sự nhận thức khác nhau, khó thi hành. Khi cơ
quan thi hành án yêu cầu tòa án giải thích thì không nhận được trả lời, nhiều
bản án, quyết định đã được thi hành bị kéo dài hoặc không thi hành được. Do
vậy, quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi
hành là phù hợp với Hiến pháp.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ
Chí Minh) cũng chỉ rõ: “Việc giao Tòa án ra quyết định sẽ khắc phục được
tình trạng “cắt khúc” giữa tòa án và thi hành án như hiện nay”. ĐB H`Yim
Kđoh (Đắk Lắk) phân tích thêm: Thực tế qua 4 năm thi hành Luật THADS đã khẳng
định mô hình cơ quan THADS hiện nay là phù hợp, thể hiện qua kết quả THADS
trong những năm gần đây luôn cao hơn năm trước cả về số vụ việc thi hành xong
và số tiền. Việc Tòa án nhân dân quyết định đưa một vụ án ra thi hành sẽ đảm
bảo tính ổn định, không xáo trộn về tổ chức bộ máy, không tăng thêm biên chế;
đồng thời gắn trách nhiệm của tòa án đối với việc thi hành án; hạn chế hiện
tượng bản án, quyết định tuyên không khả thi, khó thi hành.
Nhiều ý kiến tán thành
với các ĐB nói trên vì cho rằng quy định giao Tòa án ra quyết định đưa bản án,
quyết định ra thi hành sẽ góp phần làm rõ sự phân công, phối hợp và kiểm soát
quyền lực, loại bỏ sự “cắt khúc” hiện nay giữa công tác xét xử và công tác
THADS. Về thực tế nó cũng nhằm bảo đảm gắn vai trò, trách nhiệm của Tòa án đối
với bản án, quyết định của mình, theo đó trước khi ra quyết định đưa bản án,
quyết định ra thi hành thì Tòa án phải kiểm tra tính chính xác, đúng đắn của
bản án, quyết định đã tuyên, đồng thời theo dõi kết quả thi hành. Việc bổ sung
quy định Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành sẽ bảo đảm
được sự đồng bộ với pháp luật nước ta về tố tụng hình sự, thi hành án hình
sự.
Kết luận số 92-KL/TW
ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp
đến năm 2020, trong đó có nội dung tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án
trong công tác THADS, đồng thời để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến
pháp năm 2013 về việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan
thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật THADS Chính phủ đã trình Quốc hội quy định theo hướng Tòa án
là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành và
chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thi hành án để tổ chức thi hành. Quy
định này nhằm thể chế hóa Kết luận số 92 nói trên.
|