Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm
(TPHCM) nhấn mạnh, “trọng dân, tin dân” phải được quán triệt xuyên suốt trong
quá trình xây dựng đạo luật này. Nhận thức đầy đủ sức mạnh của nhân dân, khối
đại đoàn kết toàn dân một cách thực chất là yêu cầu của Đảng ta.
Theo
đại biểu, tin dân là tin vào trí tuệ của nhân dân, vì trưng cầu ý dân là ý dân
quyết định. Luật phải thể hiện niềm tin của Quốc hội vào nhân dân và thực tế
qua quá trình xây dựng công phu, thảo luận thẳng thắn đã thể hiện niềm tin đó.
“Lắng
nghe ý kiến của người dân thì mọi người sẽ quan tâm, tham gia nhiều hơn đối với
những vấn đề quan trọng của đất nước. Khẳng định trách nhiệm của người dân thì
người dân sẽ cân nhắc nâng cao trách nhiệm của mình. Cứ như thế thì vai trò và
trách nhiệm của dân sẽ cao hơn”, đại biểu phân tích.
Đề
cập quyền lực của nhân dân, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Ninh Bình) cho rằng, vị thế,
vai trò của nhân dân - người làm chủ xã hội chưa rõ, vì trong dự thảo luật họ
mới được khẳng định quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu với tư cách là một cử
tri.
Người
dân cần có quyền trình bày nguyện vọng của mình để trưng cầu ý dân đến cơ quan
đại diện quyền lực cho mình. Luật cũng cần xây dựng các cơ chế quy định nguyên
tắc, trình tự, thủ tục tập hợp ý kiến của nhân dân về nội dung và mục đích
trưng cầu ý dân.
Sự
công khai, minh bạch trong vấn đề này cũng chưa được đề cập cụ thể - đại biểu
đặt vấn đề và đề nghị bổ sung những điều luật để người dân có quyền cơ bản như:
Đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát việc tập hợp
ý kiến nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch…
Đại
biểu cũng đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc, điều kiện cần thiết, quy trình,
thủ tục, các bước tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân.
Đại
biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ băn khoăn về vai trò của cơ quan dân cử
địa phương, vì theo dự luật, HĐND hầu như đứng ngoài cuộc trong khi quy định
vai trò, trách nhiệm, công việc của UBND các cấp rất đậm nét trong tổ chức
trưng cầu ý dân. Trong khi đó, Điều 113 Hiến pháp ghi rõ: HĐND là cơ quan quyền
lực Nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của
nhân dân. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định và giám sát
việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương.
Theo
đại biểu, luật này phải thể hiện rõ hơn vị thế và vai trò của HĐND các cấp với
mục tiêu đây sẽ là cơ quan tổ chức chủ yếu việc trưng cầu.
Một
số ý kiến cũng đề nghị cần thể hiện rõ sự tham gia của cử tri và người dân đối
với quá trình tổ chức trưng cầu ý dân. Phải có quy định cơ chế và hoạt động
giám sát của nhân dân đối với trưng cầu ý dân; bổ sung quy định công dân Việt
Nam đang học tập, công tác, lao động ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu; quyền của
người đang bị tạm giữ, tạm giam tham gia bỏ phiếu…
|