Phát biểu khai mạc, Thứ
trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã nêu nhiều định hướng đổi mới của Dự thảo
Luật, trong đó có vấn đề không quy định thẩm quyền ban hành văn bản của một số
chủ thể.
2 phương án khác nhau về
thẩm quyền
Các chuyên gia pháp luật
bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau, nhất là về việc có nên duy trì thẩm quyền của
UBND, HĐND cấp huyện.
Thực tế những năm qua
cho thấy, với tư cách là cơ quan chấp hành, tổ chức thi hành văn bản của cấp
trên, HĐND cấp huyện, cấp xã và UBND cấp huyện, cấp xã rất ít ban hành văn bản
pháp luật (VBPL) hoặc nếu có ban hành cũng chỉ chủ yếu sao chép văn bản của cơ
quan nhà nước cấp trên, thường không đặt ra quy phạm mới.
Vì vậy, đại diện Tổ biên
tập Dự án Luật, bà Bùi Thu Hằng (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ
Tư pháp) cho biết: Ngoài phương án vẫn quy định chính quyền cấp huyện, cấp xã
ban hành VBPL để quy định những vấn đề được cấp trên giao và những vấn đề luật
quy định thuộc thẩm quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình nhưng phải được
chính quyền cấp trên trực tiếp phê duyệt, Dự thảo Luật còn thiết kế phương án không
quy định thẩm quyền ban hành VBPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã.
Lý giải về phương án
trên, bà Hằng cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền địa phương là “tổ chức
và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương” như tinh thần
của Khoản 1 Điều 112 Hiến pháp 2013 đã khẳng định. Hơn nữa, Khoản 2 Điều 111
Hiến pháp không đặt ra yêu cầu thẩm quyền của mọi cấp chính quyền địa phương
đều phải giống nhau. Đáng chú ý là dù số lượng VBPL do chính quyền cấp huyện và
xã ban hành trong cả nước hàng năm rất lớn, song chất lượng VBPL lại không
cao.
Đặc biệt, theo bà Hằng,
việc duy trì thẩm quyền ban hành VBPL cho chính quyền cấp huyện và cấp xã thì
sẽ có nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể là, số lượng đầu mối cơ quan được ban hành
VBPL quá lớn, chỉ tính cấp xã đã có tới hơn 22 nghìn đầu mối (HĐND và UBND),
với cấp huyện là trên 1.400 đầu mối. Nếu không tiếp tục quy định cho chính
quyền cấp xã được ban hành VBPL là giảm được hàng chục nghìn đầu mối cơ quan có
quyền ban hành VBPL, từ đó giảm đáng kể gánh nặng cho việc bảo đảm và kiểm soát
chất lượng VBPL được ban hành.
Nhu cầu ban
hành văn bản là có thực
Dẫn chứng kết quả tổng
kết 9 năm thực hiện Luật Ban hành VBPL của HĐND, UBND năm 2004 đã có hơn 25
nghìn Nghị quyết của HĐND cấp huyện, gần 48 nghìn Quyết định và hơn 7 nghìn Chỉ
thị của UBND cấp huyện được ban hành, TS Bùi Thị Đào (Trường ĐH Luật Hà Nội)
lại cho rằng, nhu cầu ban hành văn bản để điều chỉnh các vấn đề trên phạm vi
địa bàn cấp huyện là có thực, mặc dù không lớn. Đồng tình là chất lượng văn bản
của các cấp chính quyền địa phương không cao nhưng bà Đào tâm tư: “Nếu cứ việc
gì cấp dưới làm không tốt là phải chuyển lên cấp cao hơn thì quay trở lại tư
duy ôm đồm mà trong nhiều năm gần đây, Đảng và Nhà nước đang hết sức cố gắng
hạn chế.”
TS Đặng Minh Tuấn (Khoa
Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: Hiến pháp 2013 chỉ trao cho Quốc hội,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND quyền ban hành VBPL. Còn Dự thảo Luật lại trao quyền
cho một số chủ thể khác, trong đó có UBND các cấp ban hành quyết định, chính
quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành VBPL là không có cơ sở hiến
định.
Để giải quyết vấn đề,
theo ông Tuấn, Dự thảo Luật phải quy định rõ về cơ chế ủy quyền lập pháp, giám
sát của Quốc hội trong việc ban hành các VBPL của các cơ quan nhà nước khác.
“Nếu xét dưới quan điểm ủy quyền lập pháp, thì chỉ nên ủy quyền cho cơ quan
chính quyền địa phương (HĐND) cấp tỉnh có quyền ban hành VBPL. HĐND cấp tỉnh có
thể ủy quyền tiếp cho cơ quan cấp dưới nếu được luật quy định” – ông Tuấn kiến
nghị.
|