Đã có giải pháp cho tài sản
không xác định địa chỉ
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Thi hành án dân sự (THADS) được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có
hiệu lực từ ngày 1/7. Với việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật THADS, nhiều quy định pháp luật về thủ tục THADS đã được sửa đổi, bổ sung.
Do đó, các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật THADS năm 2008 cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung và ban hành một
cách kịp thời, đồng bộ, trong đó có Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011
của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về
THADS và Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban
hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại biểu mẫu nghiệp vụ
THADS.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, qua 04
năm thực hiện, một số quy định của các Thông tư trên đã và đang bộc lộ những
vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của cơ quan thi hành án
(THA). Bên cạnh đó, thực tế hoạt động THA phát sinh nhiều vấn đề cần phải hướng
dẫn nhưng các Thông tư trên không quy định.
Đơn cử như việc tiêu hủy vật chứng
bấy lâu nay là vấn đề không ít nan giải của các cơ quan THADS. Vật chứng nào
được tiêu hủy, quy trình tiêu hủy ra sao, giấy tờ tài sản mà hết thời hạn thì
xử lý như thế nào…
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện
một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động
THADS đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến quy định rõ: Đối với vật chứng,
tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định; tài sản không bán được
hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng theo quy định của Luật THADS; tài sản
của người phải THA trong trường hợp cưỡng chế trả nhà, giao nhà, chuyển quyền
sử dụng đất nhưng bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng mà đương sự không
nhận hoặc không xác định được địa chỉ thì Thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định
thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản đó theo quy định.
Khi tiêu hủy vật chứng, tài sản phải
lập biên bản ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản tiêu hủy, có họ tên, chữ
ký của các thành viên Hội đồng tiêu hủy; biên bản phải gửi cho Viện kiểm sát,
cơ quan tài chính cùng cấp và lưu hồ sơ THA.
Hết thời hạn 1 năm không nhận, có
quyền trả lại?
Đối với giấy tờ liên quan đến tài
sản, nhân thân của đương sự được bản án, quyết định tuyên trả lại cho đương sự,
Dự thảo Thông tư ấn định rõ: hết thời hạn 1 năm kể từ ngày thông báo, nếu đương
sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban
hành giấy tờ đó theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật THADS.
Trường hợp cơ quan ban hành giấy tờ
đó ở nước ngoài thì thực hiện tương trợ tư pháp. Văn bản yêu cầu tương trợ tư
pháp và các tài liệu kèm theo được dịch ra ngôn ngữ quy định tại Điều 5 Luật
Tương trợ tư pháp và gửi tới Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp đề nghị ủy thác cho
cơ quan có thẩm quyền.
Riêng vấn đề trích xuất vật
chứng phục vụ cho hoạt động tố tụng, Dự thảo Thông tư quy định: cơ quan yêu cầu
trích xuất phải có văn bản gửi cơ quan thi hành án. Căn cứ đề nghị của cơ quan
đề nghị trích xuất, Thủ trưởng cơ quan THA quyết định việc xuất kho để chuyển
giao cho cơ quan yêu cầu.
Cơ quan yêu cầu trích xuất vật chứng
phải đến nhận vật chứng tại kho của cơ quan THA và chịu trách nhiệm vận chuyển,
bảo quản trong quá trình sử dụng vật chứng đó. Trường hợp số lượng vật chứng,
tài sản quá lớn, không thể bố trí bảo quản tại cơ quan THA thì tùy từng trường
hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan THA có thể tiếp tục ký hoặc ký mới hợp đồng thuê
cơ quan, đơn vị có điều kiện bảo quản (ví dụ: tài sản bị kê biên, tạm giữ là ô
tô, tàu thuyền... trước đó đã được cơ quan điều tra ký hợp đồng gửi giữ ở một
tổ chức, cá nhân nào đó thì cơ quan THA có thể tiếp tục ký hợp đồng với các cơ
quan, tổ chức đó hoặc ký hợp đồng thuê cơ quan, tổ chức khác).
|